Chủ tịch FiinGroup: Sẽ có vỡ nợ trái phiếu, vấn đề là khi nào!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chủ tịch FiinGroup cảnh báo nhà đầu tư về rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là khi có tới 51,7% trong tổng số 1,16 triệu tỉ đồng dư nợ TPDN đang lưu hành sẽ đáo hạn vào năm 2023 - 2024

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinGroup (Ảnh chụp màn hình)
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinGroup (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP”, tổ chức vào chiều nay (20/1), ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT FiinGroup – cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều sử dụng ba kênh huy động vốn chính, bao gồm huy động vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng.

Tại Việt Nam, trong năm 2021, quy mô về giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp của kênh trái phiếu doanh nghiệp đã gần bằng một nửa số dư tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán có quy mô vốn hóa rất lớn (hơn 100% GDP), song vai trò dẫn vốn chỉ bằng 1/6 kênh trái phiếu (năm 2021 huy động được 100.600 tỉ đồng – mức kỷ lục 25 năm lịch sử hoạt động).

Theo ông Thuân, kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán dù quy mô nhỏ nhưng rủi ro rất lớn, do đó, kênh trái phiếu có rủi ro là không thể tránh khỏi và nhà đầu tư phải chấp nhận điều này.

“Ngân hàng cho vay chuyên nghiệp mà còn có nợ xấu thì kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, sẽ có vỡ nợ, vấn đề là khi nào”, ông Thuân nói.

Quá nửa TPDN đang lưu hành sẽ đáo hạn vào năm 2023 – 2024

Dẫn số liệu từ FiinGroup, ông Nguyễn Quang Thuân cho hay, có tới 51,7% số dư trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023 – 2024.

Cụ thể, trong tổng số 1,16 triệu tỉ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có 36,8% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong 2 năm tới (2022-2023). Và điểm rơi đáo hạn lớn nhất sẽ diễn ra vào năm 2024 với 307.200 tỉ đồng, chiếm 26,4% tổng dư nợ.

Lưu ý về vấn đề này, Chủ tịch FiinGroup cho rằng các cơ quan quản lý cần đánh giá lại những rủi ro đến an toàn hệ thống, bao gồm cả tín dụng ngân hàng. Hiện nay, khoảng 47% nợ vay của doanh nghiệp bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, đây không chỉ là vấn đề khả năng đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho trái chủ mà còn là vấn đề của tín dụng ngân hàng nhằm phòng tránh rủi ro vỡ nợ chéo đối với hai kênh tín dụng quan trọng trong bối cảnh chất lượng nhà phát hành yếu.

Ngoài ra, ông Thuân cũng lưu ý về việc cải thiện công tác chuẩn hóa điều kiện phát hành và cung cấp thông tin, minh bạch thông tin nếu như trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách và Nghị định 153 sửa đổi của Bộ tài chính, song sẽ không tươi sáng như năm 2021. Ông kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ giảm về quy mô nhưng tăng về chất lượng, đồng nghĩa phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn để minh bạch thông tin, thay đổi về chất lượng phát hành nhằm giảm rủi ro cho thị trường, an toàn hệ thống và quyền lợi của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) – cho biết, sau khi Nghị định 153 được ban hành, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ trong quý 1/2021 có điều chỉnh giảm, thay vào đó, các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn. Khối lượng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng giảm đáng kể (trên 50%).

Tuy nhiên, từ quý 2/2021 trở đi, tốc độ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận thấy một số rủi ro liên quan đến nhà đầu tư như tính đến hết quý 3/2021, có gần 300.000 cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp huy động vốn từ kênh trái phiếu nhưng không sử dụng vốn đúng với mục đích phát hành, lưu chuyển vốn giữa tổ chức phát hành và tổ chức sử dụng vốn. Nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, kết quả kinh doanh lỗ nhưng huy động được lượng lớn trái phiếu.

Ngoài ra, chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng…) chưa cao, có thiên hướng xây dựng hồ sơ nhằm có lợi cho doanh nghiệp.

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 153, ông Dương cho biết Bộ Tài chính đã đưa thêm các quy định về tăng cường công bố thông tin, quy định về việc sử dụng định mức tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành. Đây sẽ là kênh tham chiếu mới cho nhà đầu tư trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp./.