Không phải thủ môn Kawin hay HLV tạm quyền Sirisak phải chịu trách nhiệm khi Thái Lan trắng tay tại King's Cup 2019 dù họ thua cả 2 trận và không ghi được bàn thắng nào. Khi một nền bóng đá thua hết giải này đến giải khác thì chắc chắn phải có điều bất ổn gì đó đang xảy ra ở thượng tầng kiến trúc. Chính vì thế Liên đoàn bóng đá Thái Lan mà ông Somyot làm Chủ tịch đang bị dư luận đất nước Chùa Vàng quy kết trách nhiệm chính liên quan đến thất bại của bóng đá xứ “voi chiến”.
Ôn cố tri tân
Ngày 11 tháng 2 năm 2016, ông Somyot Poompanmoung - cựu cảnh sát trưởng hoàng gia Thái Lan được bầu làm chủ tịch mới của FAT. Trước thềm cuộc bầu cử mới đây, thượng tầng bóng đá Thái Lan chìm ngập trong sự hỗn loạn xoay quanh vấn đề về tham nhũng.
Ông Worawi Makudi - người đã giữ ghế chủ tịch FAT suốt 8 năm - và nhiều thành viên quan trọng khác của FAT bị FIFA đình chỉ hoạt động bóng đá vì liên quan đến nghi án tham nhũng. Việc ông Makudi hậu thuẫn cho ứng cử viên Charnwit - người cũng rất có tiếng tăm trong giới bóng đá Thái với hơn 10 năm làm HLV cho các đội tuyển bóng đá Thái Lan ở nhiều cấp độ khác nhau đã vô tình làm hại ông Charnwit. Trong khi đó, ông Somyot lại khéo léo đưa ra nhiều quan điểm chống tham nhũng và lôi ra ánh sáng những vấn đề mờ ám liên quan đến tài chính của FAT.
Dù Chủ tịch FAT tuyên bố : 'Sợ Việt Nam thì Thái Lan không thể phát triển được' nhưng rốt cuộc ĐT Thái vẫn thua (ảnh FAT)
|
Bên cạnh đó, ông Somyot còn nhận được sự hậu thuẫn từ hai nhân vật tên tuổi đang “lên như cồn” của bóng đá Thái là ông Newin Chidchob - Chủ tịch CLB Buriram United đang thống trị Thai Premier League - và tỉ phú Vichai Srivaddhanaprabha - chủ sở hữu CLB Leicester City của Anh.
Hiện nay, CLB Buriram đang là một hình mẫu cho tất cả các CLB Thái Lan học tập, trong khi sự thành công của Leicester City thời gian qua càng giúp lập trường “học theo Premier League” của ông Somyot được ủng hộ nhiều hơn. Việc một người đàn ông 61 tuổi chằng có liên quan gì đến bóng đá trúng cử với số phiếu 62/72 đã trở thành đề tài đàm tiếu suốt nhiều tháng liền. Đến bây giờ thì Thái Lan đang bị trả giá bởi những lá phiếu ủng hộ ông Somyot vốn là tay mơ với sân cỏ.
ĐT Thái Lan liên tiếp bị Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á “qua mặt” (ảnh Vietnamnet)
|
Theo quán tính "cỗ xe" bóng đá Thái Lan vẫn có 1 số thành tích nhất định như bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup năm 2016, lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2018 khu vực châu Á, vô địch SEA Games 2017… Tuy nhiên, chiến lược phát triển bóng đá Thái Lan với mục tiêu đuổi kịp và vượt Hàn Quốc, Nhật Bản đã phá sản… phải chuyển sang mục tiêu đuổi kịp Việt Nam.
ĐT Thái Lan liên tiếp bị Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á “qua mặt”. Điển hình như bị Malaysia loại ở bán kết AFF Cup 2018 và mới đây thua 0-1 trước ĐT Việt Nam. Các cấp đội trẻ cũng vậy. Đội U23 Thái Lan không thể vượt qua vòng bảng giải U23 châu Á 2018 và mới đây khi dự vòng loại U23 châu Á 2020, họ thảm bại tới 0-4 trước U23 Việt Nam tại sân Mỹ Đình...
Nội bộ mất đoàn kết
Dưới triều đại của cựu tướng cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Somyot, thượng tầng kiến trúc bóng đá Thái Lan luôn bất ổn. Tháng 10 năm 2018, Chủ tịch Somyot sa thải ông Pisan, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Thái Lan 1 năm trước hợp đồng hết hạn (4 năm). Lý do đưa ra là để FAT làm trong sạch lại nội bộ, và tìm một vị TTK mới làm việc hiệu quả hơn.Tuy nhiên, theo báo chí Thái Lan tiết lộ thì đây chỉ là bề nổi của tảng băng nội bộ FAT, vì nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến sự rối ren này chính là sự bất đồng quan điểm giữa ông Somyot và Pisan đã từ lâu nay. Có tin, ông Pisan cũng từng âm mưu lật đổ ghế chủ tịch FAT của ông Somyot.
Đã từng rất lâu CĐV Thái Lan không còn được đón niềm vui chiến thắng (ảnh Bưu Điện BangKok)
|
Nhà cầm quân 45 tuổi Kiatisak rất được công chúng Thái ủng hộ cũng rời ghế HLV trưởng ĐT Thái Lan hồi tháng 3/2017 vì những bất đồng với FAT. “Voi chiến” đã dần mất phương hướng. Những lục đục nội bộ nảy sinh và nổi bật chính là việc nhiều tuyển thủ Thái Lan “bất tuân thượng lệnh” tại Asian Cup 2019, khiến HLV Milovan Rajevac bị sa thải ngay sau trận thua 1-4 trước Ấn Độ.
Mất phương hướng
Kể từ đầu năm 2018 tới nay, không ít chiến lược gia ở Thái Lan đã bị "bay ghế" bởi cách làm việc không giống ai của vị đứng đầu FAT. Từ HLV Zoran Jankovic sau giải U23 châu Á, đến HLV Srimaka và Giám đốc kỹ thuật Witthaya Laohakul sau Asiad 18.
Nó có phần giống VFF trước đây, thành công là do FAT "thông minh, sáng suốt" còn thất bại là do các HLV trưởng sai lầm. Hiện nay, cả ghế HLV trưởng đội U23 và đội tuyển quốc gia Thái Lan vẫn trống chỗ, nhiều nhà cầm quân đã lắc đầu từ chối lời mời của Chủ tịch Somyot.
Thái Lan là nền bóng đá số một Đông Nam Á với năm lần vô địch AFF Cup, và 16 lần đoạt HC vàng SEA Games. Theo Siamsport thì với sức ép ghê gớm ở thời điểm hiện tại, kịch bản chủ tịch Somyot Poompanmoung cũng sẽ phải từ chức là hoàn toàn có thể xảy ra. Sở dĩ ông còn tại vị là bởi 62 lá phiếu bầu cho Somyot không muốn thừa nhận mình đã sai lầm.
Sau trận thua đội tuyển Việt Nam, ông Somyot đã chua chát thừa nhận, bóng đá Việt Nam đã đuổi kịp và vượt Thái Lan. Ông cho hay: "Chúng tôi muốn tạo ra một 'phong cách chơi bóng Thái Lan'. Nhưng giờ điều này là không thể, vì đội tuyển thường chỉ tập trung ít ngày trước các giải”. Thực ra đây cũng chỉ là sự ngụy biện vì đội tuyển Việt Nam thậm chí còn luyện quân ít hơn Thái Lan 10 ngày.
FAT còn đang xây dựng kế hoạch dài hơi để lấy lại vị thế số một Đông Nam Á, đồng thời vươn ra sân chơi lớn hơn. Chủ tịch Somyot vớt vát: “Chúng tôi đã nói chuyện với các CLB, tính tới phương án xây dựng các lò đào tạo trẻ dù cạnh tranh, nhưng vẫn tạo ra một phong cách chung theo định hướng của FAT. Chúng tôi tin trong năm đến 10 năm nữa, Thái Lan sẽ định hình được phong cách của mình, cho ra đời lứa cầu thủ rất mạnh".
Nhưng với những người am hiểu bóng đá Thái Lan thì VCK U23 châu Á 2020 được tổ chức tháng 1 năm sau trên đất Thái là cơ hội cuối cùng cho vị tướng cảnh sát 63 tuổi. Nếu U23 Thái Lan sớm bị loạt thì quá đủ để người ta hạ bệ ông tướng cảnh sát làm bóng đá tay ngang này.