Chủ đầu tư BOT lên tiếng về nghi vấn dàn dựng “tắc đường từ xa”

“Không có chuyện Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cố tình làm tắc đường từ xa như thông tin trên các trang mạng xã hội phản ánh để tránh ùn tắc giao thông tại trạm thu phí” - Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ
Ùn tắc trên Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã xảy ra từ chiều 1/5. Ảnh: Lê Hữu Việt
Ùn tắc trên Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã xảy ra từ chiều 1/5. Ảnh: Lê Hữu Việt

Hai ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Ghẽ không xảy ra tai nạn giao thông, tuy nhiên, một số điểm lại thường xuyên bị  “ùn tắc bất thường” do phương tiện bị chết máy, hỏng hóc hoặc  va quệt nhẹ…

Nhiều lái xe trên tuyến đường này đặt nghi vấn liệu chủ đầu tư BOT cố tình tạo ra các sự cố, va chạm dọc tuyến, sau đó điều tiết xe dần về trạm thu phí để không phải tháo khoán dẫn đến thất thu hoặc bị phạt tiền vì gây ra ùn tắc.

Trước thông tin này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ  được  Báo Giao thông dẫn lời cho biết, “Không có chuyện Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cố tình làm tắc đường từ xa như thông tin trên các trang mạng xã hội phản ánh để tránh ùn tắc giao thông tại trạm thu phí”.

Ông Khôi cũng xác nhận, trong hai ngày qua, tình trạng ùn ứ tại trạm thu phí cuối cùng của hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Pháp Vân – Cầu Giẽ trước khi vào Thủ đô có xảy ra nhưng chưa xảy ra ùn tắc kéo dài.

Ông Khôi bày tỏ lo ngại khu vực nút giao Pháp Vân là điểm nằm ngoài phạm vi của dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do xung đột giao thông, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết và các ngày cuối tuần bởi lượng xe tăng đột biến “ Cơ quan chức năng cần sớm triển khai các giải pháp đầu tư để giải tỏa ùn tắc cho nút giao thông này” – Chủ tịch BOT Pháp Vân – Cầu Ghẽ đề xuất.

Trước nghỉ lễ, Tổng cục Đường bộ VN  có văn bản yêu cầu tất cả các trạm BOT phải mở barie, “xả” trạm thu phí nếu xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhằm đảm bảo trật tự ATGT dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nếu các trạm thu phí không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng, mức phạt cao có thể lên đến 70 triệu đồng. Cụ thể, các nhà đầu tư sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46-NĐ/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Các mức phạt khác bao gồm: Phạt tiền từ 8–10 triệu đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100 xe đến 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí từ 750 m - 1.000 m hoặc để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10-20 phút.

Mức phạt tăng lên từ 10- 20 triệu đồng nếu để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ lớn hơn 150 - 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 1.000 m đến 2.000 m hoặc để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20- 30 phút.

Mức phạt sẽ là từ  30–40 triệu đồng nếu để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ lớn hơn 2.000 m hoặc để thời gian đi qua trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Phạt tiền từ 50–70 triệu đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.