|
Chiến thắng Thái Lan, tại sao không? Ảnh VF. |
Với các nhà báo đã theo dõi đội tuyển Nhật Bản thì sẽ thấy dù xuất phát với sơ đồ 4-2-3-1 nhưng nhiều khi đội bóng này tưởng như chơi với 3 trung vệ. Nguyên lý của lối chơi này là đội hình sẽ nghiêng theo hướng tấn công của hậu vệ biên trở thành 3-2-4-1 hoặc 3-2-3-2 tùy theo sự cơ động của các cầu thủ đá cánh.
Nhận diện đối thủ
Bóng đá xứ mặt trời mọc gần đây luôn sản sinh những cầu thủ hậu vệ cánh công thủ toàn diện, thậm chí họ còn có thể đi bóng thâm nhập sâu trong vòng 16,5m. Điều quan trọng là họ có phương án chống phản công hiệu quả khi không may bị đối phương cướp bóng. Ông A.Nishino đã mang lối đá này áp dụng với đội tuyển Thái Lan và thành công trên sân nhà trong trận thắng UAE 2-1.
Ông Park đã công khai nhận định: “Nhìn vào video ta nghĩ họ đá 3 trung vệ nhưng không phải. Họ đá 4-2-3-1. Khi cầu thủ cánh phải dâng lên họ hình thành 3 trung vệ. Chúng ta nhìn vào nghĩ tại sao họ luôn có 3 trung vệ nhưng thực ra không phải như vậy”.
|
Ông thầy Nhật Bản dành sự tôn trọng cho đội chủ nhà. Ảnh VF.
|
Trong trận đấu với Malaysia, tùy theo tình hình trên sân ông A.Nishino sẽ chỉ đạo một trong hai hậu vệ biên K. Wiriyaudomsiri (12) và Tristab Do (19) thường xuyên dâng cao tấn công.
Sớm phát hiện được điều đó nên HLV Tan Cheng- Hoe thường xuyên yêu cầu các tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-3-2-1 xẻ những đường bóng vào khoảng trống mà các hậu vệ này để lại.
Một trong những tình huống Tristan Do không về kịp, Thái Lan đã phải trả giá. Chắc chắn với một nhà cầm quân lão luyện và có trong tay các cầu thủ có tốc độ leo biên tốt như Văn Toàn, Quang Hải thì điều này sẽ được khai thác tối đa. Mọi việc càng trở nên rõ ràng hơn khi lần này ông giữ lại tiền vệ Trọng Hùng, mà loại Hữu Tuấn, Huy Hùng.
Về việc chống pressing, vị chiến lược gia người Hàn Quốc cho rằng, từ khi HLV Akira Nishino đảm nhiệm dẫn dắt ĐT Thái Lan, "Voi chiến" đã sử dụng nhiều đường chuyền ngắn và thành thục. Ở trận đấu với ĐT Maylaysia, "Voi chiến" tập trung và bộ ba Chanathip Songkrasin cùng số 7 S. Sarachart và số 8 E. Punya.
Bộ ba này hỗ trợ cầu thủ Dangda (số 10) phía trên bằng nhiều đường chuyền trung lộ, ngắn khá thành thục, phối hợp tốt. Như vậy, so với trận đấu lượt đi thì nhiệm vụ của tiền vệ Tuấn Anh nặng nề hơn, bởi trận đấu đó S. Sarachart đá trung phong, thuộc phạm vi quản lý của các trung vệ. Như vậy phương án hỗ trợ tiền vệ HAGL này sẽ được tính toán lại để đảm bảo thể lực thi đấu trong suốt 90 phút.
Giăng bẫy
Với thời đại công nghệ thông tin, chắc chắn trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trên sân Mỹ Đình sẽ được nối mạng với sân Bukit Jalil (Kuala Lumpur). Việc đội khách Indonesia không còn HLV trưởng S. McMenemy, các cầu thủ xứ vạn đảo cũng không còn động lực thi đấu sau 4 trận toàn thua. Trong khi tinh thần các cầu thủ Malaysia đang lên cao sau trận thắng Thái Lan.
|
Chủ nhà Việt Nam đang có cả 3 lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc có 3 điểm trên sân Mỹ Đình đã gần hơn bao giờ hết. Ảnh VF
|
Trận đấu này khởi tranh sớm hơn trận đấu trên sân Mỹ Đình 15 phút, nếu Malaysia có bàn thắng sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Akira Nishino. Chắc chắn “phù thủy Park Hang-seo” sẽ không bỏ qua cơ hội này để tung dây “bắt voi” bởi ông thừa biết, khi Maylaysia có được 3 điểm thì Thái Lan đã không thể giữ được vị trí nhì bảng, nếu không có chiến thắng.
Cuộc chiến trên sân Mỹ Đình, ngoài lợi thế về thành tích trong quá khứ thì “bầy voi chiến” đang gặp khá nhiều bất lợi về mặt phong độ, tâm lý, thua thiệt về mặt cổ động của khán giả.
Chia sẻ tại buổi họp báo trước trận, HLV Akira Nishino thừa nhận: "Khi chúng tôi được thi đấu sân nhà thì tôi có cảm giác an tâm hơn vì có CĐV và sân nhà hỗ trợ rất nhiều. Tôi phải thừa nhận rằng trận đấu với ĐT Việt Nam tới đây có đôi chút áp lực không nhỏ khi thi đấu trên sân khách. Tôi không phủ nhận áp lực khi thi đấu với ĐT Việt Nam là có".
Ngay cả các phóng viên Thái Lan có mặt tại cuộc họp báo đều thừa nhận chủ nhà Việt Nam đang có cả 3 lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc có 3 điểm trên sân Mỹ Đình đã gần hơn bao giờ hết.