Chip Snapdragon nào tốt nhất trên từng phân khúc?

VietTimes – Snapdragon là dòng chip xử lý của Qualcomm dành cho Android. Mặc dù trên thị trường hiện nay, Exynos, Mediatek hay Kirin vẫn xuất hiện trên nhiều mẫu smartphone của LG, HTC, Sony… Tuy nhiên, Qualcomm Snapdragon vẫn chiếm lĩnh thị phần khổng lồ. Không chỉ trên flagship, bạn có thể tìm thấy chip xử lý Snapdragon trên nhiều phân khúc smartphone khác nhau. Vậy hiệu năng và tính năng của chúng khác nhau như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây từ Android Authority.
Ảnh minh họa: GB
Ảnh minh họa: GB

Dòng chip xử lý cao cấp

Thông số kỹ thuật của Snapdragon 845, 835 và 821. Ảnh: Android Authority
 Thông số kỹ thuật của Snapdragon 845, 835 và 821. Ảnh: Android Authority

Snapdragon 850 là chip xử lý mãnh mẽ nhất nhưng chỉ dành cho các mẫu máy tính luôn kết nối (connected-PC). Nhưng thực tế Snapdragon 845 mới là chip xử lý di động đầu bảng của Qualcomm dành cho nền tảng di động. Snapdragon 845 là dòng sản phẩm đầu tiên của Qualcomm sản xuất trên công nghệ DynamicIQ. Kiến trúc mới của ARM Holdings giúp cải thiện hiệu suất đa nhiệm, tiêu hao ít năng lượng hơn và tiết kiệm tối đa bộ nhớ đệm L3. Việc thiết kế 4 lõi Cortex-A75 hiệu suất cao + 4 lõi Cortex A55 giúp cân bằng với năng lượng trên chip xử lý. Đồng thời, GPU Adreno 630 độc quyền do Qualcomm thiết kế cũng được  đánh giá là có khả năng xử lý đồ họa tốt nhất hiện nay.

Snapdragon series-800 là dòng chip xử lý hàng đầu của Qualcomm thiết kế dựa trên kiến trúc big.LITTLE CPU, do ARM phát triển. Big.LITTLE CPU là kiến trúc máy tính không đồng nhất (computing relative) được ARM Holdings giới thiệu năm 2011, kết hợp sức mạnh các lõi tiết kiệm điện năng, hiệu suất trung bình (LITTLE) và các lõi hiệu suất cao, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn (big) nhằm tạo ra con chip đa nhân có thể điều chỉnh tốt hơn nhu cầu xử lý di động và tiết kiệm năng lượng.

Các đây vài năm, Qualcomm đã bắt đầu tối ưu hóa các lõi ARM Cortex cho Snapdragon 808 và 810. Nhưng tới thế hệ Snapdragon 821, thay vì tập trung điều chỉnh cách lõi xử lý,  công ty đã chú trọng nâng cấp khả năng xử lý của GPU (chip xử lý hình ảnh trung tâm), DSP (chip xử lý tín hiệu hình ảnh), ISP (chip xử lý tín hiệu đầu vào) hay modem 4G LTE tích hợp. Thiết bị sử dụng dòng chip xử lý series-800 đều hỗ trợ công nghệ sạc nhanh Quick Charge, chuẩn Bluetooth thế hệ thứ 5 và tai nghe hoàn toàn không dây True Wireless.

Cùng với việc trình làng trên dòng Snapdragon series-800 công nghệ máy tính không đồng nhất và máy tự học (machine learning), Qualcomm đã thiết kế các chip xử lý tín hiệu hình ảnh bố trí thành mạng lưới thần kinh 8-bit và 16-bit để tăng tốc độ giải quyết các thuật toán phức tạp (VD: giải mã thuật toán nén aptX để truyền tải âm thanh chất lượng cao qua tai nghe Bluetooth).

Trên thế hệ chip xử lý Snapdragon 835 và 845, Qualcomm đã cải thiện công nghệ Hexagon Vector Extension (HVX), sử dụng các DSP để hỗ trợ CPU và GPU xử lý tín hiệu hình ảnh, âm thanh, nội dung VR hay AR… Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa chip xử lý Snapdragon của Qualcomm và Kirin của Huawei (sử dụng NPU -  chip xử lý thần kinh riêng biệt).

Trên thị trường hiện nay, những con chip xử lý di động có thể cạnh tranh với Snapdragon 845 chỉ đếm trên đầu ngón tay, bao gồm Exynos 9810 của Samsung, Kirin 970 và 980 của Huawei.

Dòng chip xử lý trung cấp

Thông số kỹ thuật của Snapdragon 710, 670 và 660. Ảnh: Android Authority
 Thông số kỹ thuật của Snapdragon 710, 670 và 660. Ảnh: Android Authority

Phân biệt các mẫu chip xử lý trung cấp của Qualcomm phức tạp hơn đôi chút. Một phần bởi số lượng sản phẩm đông đảo tích lũy qua nhiều năm. Ngoài ra, Snapdragon 710 ra mắt cũng được thay đổi khá nhiều so với series-600 tiền nhiệm.

Thực tế, Snapdragon 710 và 670 tương đối giống nhau. Ngoài hiệu suất tiệm cận với series-800, bộ đôi chip xử lý này còn sở hữu nhiều tính năng cao cấp như sạc nhanh Quick Charge và Bluetooth 5.

Sở dĩ nói “tiệm cận” bởi với thiết kế gồm 2 lõi Cortex A75 + 6 lõi Cortex A53 Dynamic IQ, Snapdragon 710 và 670 có thể đạt tốc độ xử lý đơn nhân ngang ngửa với dòng chip xử lý cao cấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần nhiều lõi hiệu suất cao, bộ đôi này thường bị “hụt hơi”.

Điều này hoàn toàn khác biệt với thế hệ tiền nhiệm Snapdragon 660, 4 lõi Cortex A73 + 4 lõi Cortex A53 thường cung cấp khả năng xử lý đa nhân tương đối tốt. Tuy nhiên, thiết kế 2 + 6 mới được cho là đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thực tế và cho tuổi thọ pin dài hơn.

Về khả năng xử lý đồ họa, Adreno series-600 có thể “cân” nhiều trò chơi nặng, hiệu suất chỉ sau Snapdragon 845. Tốc độ truyền tải dữ liệu cao nhờ chip modem 4G LTE. Bộ đôi chip xử lý cận cao cấp sản xuất trên tiến trình 10 nm FinFET này cũng được tích hợp mạng DSP lục giác để tăng cường tốc độ xử lý thuật toán AI, hỗ trợ chuẩn Quick Charge 4 và Bluetooth 5.0.

Các con chip xử lý khác của series-600 là Snapdragon 635 và 625, sử dụng 8 lõi Cortex A53 và GPU Adreno 509 – 506 đã được coi là cải tiến vượt bậc so với thế hện tiền nhiệm. Trong phân khúc tầm trung hiện nay, Snapdragon 630 vẫn có nhiều ưu điểm như tích hợp chip modem X12 LTE, Hexagon DSP và Bluetooth 5. Còn Snapdragon 625 chỉ thua kém đôi chút với modem X9 LTE và hỗ trợ Bluetooth 4.2.

Dòng chip xử lý bình dân

Thông số kỹ thuật của Snapdragon 636, 632 và 439. Ảnh: Android Authority
Thông số kỹ thuật của Snapdragon 636, 632 và 439. Ảnh: Android Authority

Năm 2018 chứng kiến sự lột xác của dòng chip Snapdragon bình dân và giá rẻ. Nhờ thiết kế big.LITTLE CPU thay thế cho 8 lõi A53 hiệu suất thấp, người dùng phổ thông nay được tận hưởng trải nghiệm tốt hơn. Thiết bị giá rẻ đảm bảo hiệu suất khi chạy đa tác vụ, khởi động ứng dụng nhanh, cũng như chạy được nhiều trò chơi.

Mặc dù kiến trúc big.LITTLE mang đến nhiều ưu điểm tương tự trên Snapdragon 710 và series-600 cao cấp, nhưng các mẫu Snapdragon 636 hay 632 tích hợp GPU Adreno series-500 lại khá hạn chế về khả năng xử lý đồ họa.

Snapdragon 636 là con chip lý tưởng trong phân khúc bình dân bởi mạng Hexagon DSP, modem tốc độ cao và Quick Charge 4.0. Còn Snapdragon 632, tuy vẫn sử dụng 4 lõi Cortex A73 + 4 lõi Cortex A53, nhưng xung nhịp của bộ nhớ RAM (LPDDR3) thấp hơn đôi chút. Là chip xử lý giữa phân khúc bình dân và giá rẻ, Snapdragon 632 cũng thừa hưởng công nghệ của thế hệ series-800 cũ, bao gồm modem X9 LTE và Quick Charge 3.0.

Qualcomm duy trì kiến trúc 8 lõi Cortex A53, chip modem và công nghệ Quick Charge trên các thế hệ series-800 cách đây vài năm để giảm giá thành sản xuất series-400. Ảnh: Qualcomm
 Qualcomm duy trì kiến trúc 8 lõi Cortex A53, chip modem và công nghệ Quick Charge trên các thế hệ series-800 cách đây vài năm để giảm giá thành sản xuất series-400. Ảnh: Qualcomm

Series-400 là dòng chip xử lý giá rẻ của Qualcomm. Để giữ giá thành sản phẩm thấp nhất có thể, hai đại diện Snapdragon 450 và 439 vẫn duy trì kiến trúc 8 lõi Cortex A53, chỉ hỗ trợ camera đơn và độ phân giải màn hình tối đa 720p.

Snapdragon 636, 632 và series-400 vẫn đủ tốt để đảm bảo trải nghiệm cơ bản trên một chiếc smartphone. Tuy nhiên, chúng sẽ không thể thỏa mãn người dùng thường xuyên chơi game, nghe nhạc chất lượng cao với tai nghe không dây hoặc muốn sử dụng chuẩn sạc nhanh mới nhất.

Theo Android  Authority