Chính trị Mỹ đang nhuốm màu bầu cử 2020

Trần Hạnh Nhân
Trần Hạnh Nhân

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Phe đa số của đảng Dân chủ tại Hạ nghị viện Mỹ cố tình ngăn cản Tổng thống Trump triển khai kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với Mexico, giữa lúc ông Trump đang cố gắng thực hiện các cam kết bầu cử 2016 để làm vốn cho cuộc vận động tái cử vào năm 2020. Cuộc đấu tranh quyền lực trong chính trường Mỹ, dù dưới bất kỳ vấn đề đối nội, đối ngoại nào, đều đã nhuốm đậm màu bầu cử 2020.

Ngày 11/3 – giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất mức ngân sách kỷ lục lên tới 4,7 nghìn tỉ USD cho tài khóa 2020, trong đó đưa trở lại khoản chi 8,6 tỉ USD cho bức tường biên giới với Mexico.

Với khoản ngân sách 8,6 tỷ USD này, theo Washington Post, “ông Trump đã khơi lại cuộc chiến bức tường biên giới với Quốc hội Mỹ với con số lớn gấp hơn 6 lần số kinh phí Quốc hội Mỹ từng chi cho các dự án an ninh biên giới mỗi năm, trong hai năm qua”.

Yêu cầu này của ông Trump lập tức vấp phải chỉ trích của phe Dân chủ, và rất có khả năng sẽ không được Quốc hội thông qua. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer còn ra tuyên bố chung, nói rằng “Tổng thống Trump đã làm phương hại đến hàng triệu người Mỹ và gây hỗn loạn trên diện rộng khi ông liều lĩnh đóng cửa chính phủ để đòi hỏi một bức tường tốn kém và không hiệu quả.”

Trả lời tờ Fox News, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng có khả năng một cuộc chiến ngân sách sẽ tái diễn. Theo ông, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục theo đuổi bức tường cũng như vấn đề an ninh biên giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Câu lạc bộ Kinh tế Washington D.C mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome H.Powell nhận định nền kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với Câu lạc bộ Kinh tế Washington D.C mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome H.Powell nhận định nền kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái.

Kinh tế tăng trưởng sẽ là "điểm cộng" quan trọng đối với ông Trump

Theo Ts. Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bầu cử ở Mỹ sẽ tác động đến cuộc chiến quyền lực ở nước này, cũng như mọi quyết sách đối nội, đối ngoại của chính quyền Trump.

Cuộc đấu tranh giữa hành pháp-lập pháp-tư pháp Mỹ là bản chất của chính trị Mỹ mà cơ chế đề ra từ ngày lập quốc tạo ra. Tuy nhiên, nếu đảng Dân chủ xử lý không tốt cuộc đấu quyền lực thì sẽ mất lợi thế giành được từ cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2018 khi mà phe này giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.

Mới đây, việc Quốc hội Mỹ đưa cựu luật sư riêng Michael Cohen của ông Trump ra điều trần ngay lúc hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Việt Nam, được ông Trump cho là có ảnh hưởng đến quyết định bất ngờ kết thúc thượng đỉnh trở về Mỹ sớm hơn dự định. Đây chẳng qua là cái cớ để thanh minh với Triều Tiên và tạo sức ép trở lại đối với Quốc hội Mỹ. Nhưng việc Quốc hội đưa ra điều trần vào lúc diễn ra Thượng đỉnh Triều-Mỹ cũng là nhằm “chơi” Tổng thống.

Thời điểm luận tội Tổng thống có thể bắt đầu cuối năm nay tới sang năm. Nhưng vào năm bầu cử, việc luận tội có lợi hay không có lợi cho đảng Dân chủ thì đảng này phải tính kỹ. Cử tri Cộng hòa có thể gây sức ép đối với các ứng cử viên tranh cử vào Hạ viện. Lần bầu cử vừa rồi, ở nhiều khu vực bầu cử, nhiều ứng cử viên Dân chủ không cam kết trước câu hỏi về quan điểm đối với phế truất Tổng thống, vì lo ngại mất lòng cử tri. Ít có khả năng phe Dân chủ hội tụ đủ 2/3 số phiếu nghị sĩ cả ở Thượng viện và Hạ viện để phế truất Tổng thống.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, bằng các biện pháp kích cầu, chính quyền Trump đã đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt bước tiến mà hầu hết các chuyên gia trước đó đều tin là điều không thể: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng hơn 3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất gần 50 năm, niềm tin người tiêu dùng Mỹ ở mức cao nhất 18 năm, niềm tin các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh… Nếu vị Tổng thống tỉ phú này tiếp tục duy trì được chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối nhiệm kỳ, đây sẽ là "điểm cộng" quan trọng bổ sung vào "Bộ hồ sơ" tái tranh cử của ông năm 2020.

Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ không ủng hộ luận tội Tổng thống D. Trump - Ảnh: REUTERS
Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ không ủng hộ luận tội Tổng thống D. Trump - Ảnh: REUTERS

Nhân tố Trung Quốc trong “ván cờ” tranh cử

Ông Trump đang có trong tay một số con bài đối ngoại làm vốn cho vận động bầu cử năm 2020. Thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên sẽ là một thành tựu bề nổi. Nhưng trước mắt là xử lý cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sao cho có lợi nhất.

Sau 7 vòng, cuộc đàm phán về thuế quan thương mại Mỹ-Trung có thể cán đích vào cuối tháng 3 này. Một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này nếu có thể đạt được tại Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, sẽ là một chiến thắng có ý nghĩa cho Donald Trump.

Là một phần của thỏa thuận, Trung Quốc sẽ cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, như nông sản, năng lượng, và thay đổi lập trường trong những vấn đề nào đó về cấu trúc kinh tế, như chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa khu vực dịch vụ, v.v. Tuy nhiên, như mọi khi, Trung Quốc sẽ cố gắng bẻ cong những điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào họ ký kết. Những cơ chế thực thi cũng sẽ làm các cuộc thảo luận nóng lên. Mỹ vẫn nắm giữ khả năng áp đặt thuế quan ngay lập tức lên Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không đi đến những dấu mốc cụ thể; hoặc Mỹ có thể dỡ bỏ một số thuế quan nào đó chỉ khi Trung Quốc thực hiện những cam kết nhất định. Cuối cùng, Trung Quốc và Mỹ có thể bất đồng trong cách diễn giải thỏa thuận gần như ngay khi ráo mực.

Kết thúc vòng đàm phán cấp cao tại Washington trong các ngày 21-22/2, mà về phía Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, các nhà quan sát có cảm tưởng rằng Bắc Kinh dường như thỏa hiệp mang tính cầm chừng. Có thể, Bắc Kinh chờ xem khả năng Quốc hội tiến hành luận tội Tổng thống ra sao và chiều hướng cuộc vận động bầu cử Tổng thống 2020 diễn biến thế nào. Bắc Kinh đang câu giờ.

Về phía ông Trump, tuy tự nhận mình là “Người thuế quan”, nhưng cũng muốn tạo thêm sức ép phút cuối để kết thúc cuộc chiến thương mại giai đoạn vừa rồi, thu được một số món lợi và giải tỏa những thiệt hại kinh tế đối với người tiêu dùng và nhà nông Mỹ.

Theo nhận định của Stratfor, một tổ chức tình báo tư nhân có uy tín ở Mỹ, sự chèn ép toàn diện của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ kéo dài, khi Washington tạo ra những công cụ khác ngoài thuế quan đơn thuần. Khi Mỹ và Trung Quốc bước vào một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ, Washington sẽ tiếp tục theo dõi sát sao ngành công nghệ của Trung Quốc với các cuộc điều tra nhanh của Bộ Tư pháp Mỹ đối với các cáo buộc doanh nghiệp và nhân viên tình báo Trung Quốc ăn cắp công nghệ, đồng thời nhắm vào những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc như Huawei.

Dư luận Mỹ, cũng như các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa, đều ủng hộ các chủ trương của chính quyền Trump kiềm chế Trung Quốc. Và đó cũng là một thứ vốn liếng chính trị cho cuộc tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump.