Chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc có thể khiến “gậy ông đập lưng TikTok”!

VietTimes – Chính sách mới ban hành của Bắc Kinh là một cú “phản đòn” với các lệnh cấm của Mỹ, nhưng nó cũng có thể khiến TikTok thiệt hại không nhỏ.
Nhân viên của ByteDance di chuyển trước trụ sở làm việc tại Bắc Kinh. Công ty sở hữu TikTok đang bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung (ảnh AP)
Nhân viên của ByteDance di chuyển trước trụ sở làm việc tại Bắc Kinh. Công ty sở hữu TikTok đang bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung (ảnh AP)

Hôm thứ Sáu tuần trước (28/8), Bắc Kinh đã “dựng lên một rào cản” cho việc bán TikTok khi ban hành một danh sách các công nghệ bị hạn chế hoặc cấm xuất khẩu. Trong số những công nghệ này có máy bay không người lái, laser, in 3D, vật liệu không gian… và cả những công nghệ trí tuệ nhân tạo mà TikTok đã sử dụng để cá nhân hóa người xem video.

Tân Hoa Xã hôm 29/8 đã đăng tải bài viết của Giáo sư Cui Fan thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc. Ông này nói rằng quy định mới của Bắc Kinh khiến ByteDance sẽ cần có giấy phép của chính phủ để bán công nghệ cho một công ty Mỹ.

Sự khẳng định quyền lực vào phút cuối của Bắc Kinh là một cú đánh bất ngờ vào thỏa thuận mua bán tiềm năng khi một công ty Mỹ (được cho là Microsoft) muốn mua lại hoạt động của TikTok tại 4 thị trường Anh, Australia, Mỹ, Canada. Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Trung Quốc muốn đi xa đến đâu trong thương vụ này, họ có muốn dập tắt hẳn hay không.

Động thái của Bắc Kinh đã làm ảnh hưởng đến TikTok và khiến cho Microsoft và Oracle chùn bước, đẩy các công ty vào trung tâm cuộc “chiến tranh công nghệ” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc .

Tờ New York Times bình luận rằng chỉ riêng sự không hài lòng của Bắc Kinh cũng đã khiến cho những công ty “cầu hôn” TikTok, nhiều trong số đó có hoạt động ở Trung Quốc, tỏ ra e ngại. TikTok là ứng dụng thành công nhất trên toàn cầu được sản xuất bởi một công ty Trung Quốc và xung đột về số phận của nó có thể đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào bế tắc sâu sắc hơn.    

Scott Kennedy, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington, nhận định: “Ở mức tối thiểu, Trung Quốc đang muốn thể hiện rằng họ có tiếng nói trong việc này và họ sẽ không trở thành người ngoài cuộc”.

“Đó có thể là một nỗ lực để ngăn chặn hoàn toàn thương vụ mua bán, hoặc chỉ để tăng giá TikTok, hoặc kèm theo các điều kiện để tạo lợi thế cho Trung Quốc” -  ông Kennedy nói.

Nếu Bắc Kinh chặn việc bán TikTok, họ sẽ khiến chính phủ Mỹ phải ban hành lệnh cấm ứng dụng này, từ đó gây ra sự phẫn nộ từ những người hâm mộ TikTok tại Mỹ. Việc ra lệnh cho các công ty như Apple và Google gỡ bỏ TikTok khỏi các kho ứng dụng có thể khiến nhiều người oán trách chính quyền Tổng thống Trump và dẫn đến các vụ kiện.

ByteDance và Oracle đã từ chối bình luận về quy định mới mà Bắc Kinh vừa ban hành. Microsoft và Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng lặng thinh. Nhưng động thái của Trung Quốc có thể khiến cho các thành viên “diều hâu” trong chính quyền Tổng thống Trump có cớ để thực hiện nhiều biện pháp hơn nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ như Baidu và Alibaba kinh doanh tại Hoa Kỳ. Và tất nhiên, TikTok cũng thiệt hại không nhỏ nếu thương vụ này thất bại.

Ông Kennedy nói rằng mục đích của Trung Quốc trong việc duy trì hoặc ngăn chặn thỏa thuận giống như một sự “khẳng định chủ quyền”.