Đây là khẳng định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam - Triển vọng 2016 đang diễn ra tại TP. HCM.
Theo ông Cung, mặc dù trong giai đoạn gần đây, những chỉ số về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá, tuy nhiên hiện vẫn còn đang tồn tại nhiều nghịch lý về giá cả, tiền tệ và kinh tế.
"Có nghịch lý giữa lãi suất tăng và lạm phát giảm, xảy ra ngay cả khi chính sách tiền tệ tài khóa đã tích cực thay đổi. Tiền ra, giá giảm, nhưng lãi suất không giảm, đó là nghịch lý, thể hiện chúng ta chưa thị trường lắm", ông Cung phân tích.
Đồng thời, cũng theo vị chuyên gia này, nợ xấu vẫn còn lớn cũng là nguyên nhân. Mặc dù chúng ta xử lý tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng nợ xấu vẫn còn nằm đâu đó, phải có người chịu chi phí đó, chắc chắn là người gửi tiền, người vay tiền, đương nhiên có cả ngân hàng.
“Tỷ giá USD vẫn còn lơ lửng đó, Chính phủ vẫn huy động nhiều, chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân. Vốn cho nền kinh tế sẽ bị cạn, gây hệ quả rất lớn, không công bằng, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Cung khẳng định.
Nhìn nhận về dự báo kinh tế Việt Nam 2016, ông Cung cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không thay đổi gì lắm so với năm 2015.
Bởi lẽ, theo phân tích của TS. Nguyễn Đình Cung, dù chúng ta đã có 3 năm tái cơ cấu kinh tế nhưng thâm hụt cán cân thương mại đang tăng trở lại, điều đó có nghĩa cơ cấu sản xuất vẫn như trước đây, chưa thể giảm nhập khẩu từ bên ngoài...
Một điều đáng lo ngại nữa theo ông Cung chính là ngân sách Nhà nước. Tốc độ thu ngân sách đang có xu hướng giảm, và thấp hơn tốc độ tăng chi. Tốc độ tăng chi từ ngân sách thấp hơn so với tốc độ tăng chi thường xuyên.
"Đương nhiên thâm hụt ngân sách gia tăng trong thời gian mấy năm nay, đó là điều ai cũng nhìn thấy. Vấn đề là mình chưa nhìn thấy điểm dừng của nó. Phải giảm chi, đặc biệt là chi thường xuyên. Nguy cơ tận thu lớn do bội chi lớn đang treo lơ lửng trước mắt", ông Cung khẳng định.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước vẫn phục hồi nhưng chậm chạp, thiếu tính bền vững nên phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Số doanh nghiệp thành lập mới sẽ gia tăng nhưng số lượng giải thế phá sản không giảm... cũng là những nguyên nhân khiến vị chuyên gia này tỏ ra lo ngại.
Xung quanh câu chuyện triển vọng của nền kinh tế các tháng cuối năm 2015, trong một lần trao đổi với BizLIVE gần đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, từ thực tế nền kinh tế nửa đầu năm 2015 cho thấy, bên cạnh những biểu hiện tích cực đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại.
Phân tích của TS. Lê Đăng Doanh cho thấy, bội chi ngân sách tăng cao, vượt chỉ tiêu cho phép của Quốc Hội; Bộ Tài Chính phải đề nghị vay tới hơn 30.000 tỷ đồng của Ngân Hàng Nhà Nước, tăng thu các loại phí; Nợ công tiếp tục tăng nhanh…
Vấn đề tỷ giá chịu sức ép đáng kể sau khi bị điều chỉnh tăng nhiều lần. Xuất khẩu giảm sút, nhập siêu cao. Nghị Quyết 19 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh được thực hiện quá chậm và kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do quá kém, doanh nghiệp chưa đạt được chuyển biến cần thiết.
Theo Bizlive