Chính phủ mới của Afghanistan: Toàn bộ là thành viên Taliban và không có phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 7/9, theo giờ Kabul, Taliban đã công bố danh sách nội các “chính phủ lâm thời”. Khác với tuyên bố trước đó của họ, danh sách chỉ gồm các thành viên Taliban và không có bất cứ phụ nữ nào.
Ngày 7/9, người phát ngôn Taliban Mujahid hôm 7/9 thông báo danh sách "chính phủ lâm thời" của Afghanistan (Ảnh: Deutsche Welle).
Ngày 7/9, người phát ngôn Taliban Mujahid hôm 7/9 thông báo danh sách "chính phủ lâm thời" của Afghanistan (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 8/9, Sau khi Taliban chiếm được thủ đô vào tháng trước, họ đã tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ mới “bao trùm” gồm các phái chính trị, đa sắc tộc ở Afghanistan. Tuy nhiên, theo danh sách Chính phủ lâm thời của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan vừa được họ công bố hôm thứ Ba (7/9), tất cả các thành viên trong nội các lâm thời đều là thành viên của Taliban.

Một chính phủ không có các thành phần chính trị khác, không phụ nữ

Theo danh sách này, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, sẽ đóng vai trò là “Emir” (nghĩa là người nắm quyền hay Tiểu vương), nhà lãnh đạo tối cao đứng đầu đất nước. Danh sách các quan chức chủ yếu cũng đã được công bố.

Haibatullah Akhundzada không phải là một lãnh chúa, mà là một học giả về luật Hồi giáo, cha của ông ta cũng là một giáo sĩ. Vào cuối những năm 1980, Haibatullah Akhundzada gia nhập phe Haris của Đảng Hồi giáo và tham gia vào cuộc chiến chống Liên Xô cùng với các sinh viên tôn giáo trẻ khác. Sau đó, ông ta tiếp tục hoàn thành chương trình học tại một trường Hồi giáo ở Pakistan. Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát chính quyền ở Afghanistan vào năm 1996, Haibatullah Akhundzada làm giáo viên trong một trường học Hồi giáo do Omar, người sáng lập Taliban mở ra và nhiều nhân vật cấp cao khác của Taliban đều xuất thân từ trường này. Haibatullah Akhundzada được coi là cố vấn tôn giáo của Mullah Omar, thủ lĩnh sáng lập Taliban và cấp bậc tôn giáo của ông rất cao.

Haibatullah Akhundzada, người đứng đầu Tiểu vương Hồi giáo Afghanistan (Ảnh: Đông Phương).

Haibatullah Akhundzada, người đứng đầu Tiểu vương Hồi giáo Afghanistan (Ảnh: Đông Phương).

Người phát ngôn của Taliban Mujahid hôm 7/9 cũng thông báo rằng, Mullah Hassan Akhund sẽ giữ chức thủ tướng chính phủ lâm thời. Ông này được cho là người đứng đầu ủy ban lãnh đạo Taliban, đã tham gia lãnh đạo Taliban 20 năm qua và đã bị Liên Hợp Quốc xác định là một phần tử khủng bố. Là người sinh ra ở Kandahar, Mullah Hassan Akhund cũng đã từng là bộ trưởng của chính phủ Taliban trước khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Afghanistan vào năm 2001.

Giữ chức vụ Phó thủ tướng thứ nhất là Mullah Baradar, người đồng sáng lập Taliban, người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Taliban; Phó thủ tướng thứ hai Abdul Salam Hanafi là phó giám đốc văn phòng chính trị của Taliban ở Doha. Gần đây, ông này đã nhiều lần thay mặt Taliban thảo luận về quan hệ song phương với các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Quyền Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh của "Mạng lưới Haqqani", một nhánh của Taliban, đang bị FBI truy nã toàn cầu vì tham gia vào các hoạt động khủng bố. Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mullah Yaqoob, con trai của Mullah Omar, cố thủ lĩnh sáng lập Phong trào Taliban. Các vị trí còn lại bao gồm Quyền Bộ trưởng Người tị nạn, Quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương, v.v. cũng đã có nhân sự được lựa chọn. Một điều đáng chú ý là trong danh sách không có bất cứ phụ nữ hay cựu chính khách của các chính quyền trước nào.

Mullah Hassan Akhund, Thủ tướng của Chính phủ lâm thời Afghanistan (Ảnh: Skynews)

Mullah Hassan Akhund, Thủ tướng của Chính phủ lâm thời Afghanistan (Ảnh: Skynews)

Nhà lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada chỉ ra trong một tuyên bố rằng, trong tương lai, tất cả các vấn đề quản trị và cuộc sống ở Afghanistan sẽ được điều chỉnh bởi luật Hồi giáo Sharia, và các nhà chức trách Afghanistan nghiêm túc bảo vệ nhân quyền và quyền của các dân tộc thiểu số "trong khuôn khổ của đạo Hồi".

Ông cũng nói rằng chính phủ mới của Afghanistan sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Haibatullah Akhundzada nói, mục tiêu cuối cùng của chính phủ mới của Afghanistan là nhanh chóng ổn định và tái thiết lại đất nước càng sớm càng tốt. Ông ta nhấn mạnh ban lãnh đạo mới sẽ bảo đảm nền hòa bình lâu dài, phồn vinh và phát triển, mọi người dân Afghanistan nên ở lại tham gia tái thiết đất nước. Haibatullah Akhundzada cũng cam kết “sẽ tuân thủ mọi hiệp ước quốc tế không vi phạm luật Hồi giáo và các giá trị quốc gia”.

Danh sách chính phủ lâm thời Afghanistan của Taliban đã khiến nhiều người thất vọng. Các nhóm nhân quyền đã kêu gọi Trung Quốc và Nga, hai nước hiện đang tích cực can dự vào Afghanistan hãy quan tâm đến quyền của phụ nữ và trẻ em.

Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani là người đang bị FBI truy nã toàn cầu vì tội khủng bố (Ảnh: Dwnews).

Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani là người đang bị FBI truy nã toàn cầu vì tội khủng bố (Ảnh: Dwnews).

Hãng tin AP nhận xét, hầu hết các vị trí chính trong nội các của Taliban đều do các nhà lãnh đạo Taliban nắm giữ.

"Chính phủ lâm thời" sẽ tiếp tục giữ lại các Bộ Văn hóa và Thông tin và Bộ Giáo dục, cũng như Bộ trưởng Người tị nạn và Hồi hương. Taliban không nói rõ "chính phủ lâm thời" sẽ tồn tại trong bao lâu, cũng như không đề cập đến kế hoạch tổ chức bầu cử trong tương lai.

Theo AP, dường như không có bất kỳ ai trong danh sách không phải là Taliban, điều này đi ngược lại lại các yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Taliban cũng giải tán Bộ công tác Phụ nữ. Ngay trước đó, Taliban đã đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo phản đối những hạn chế về quyền tự do của họ dưới sự cai trị của Taliban.

Không có bất cứ thành viên nữ nào trong "chính phủ lâm thời", đó là những gì những người biểu tình Kabul lên tiếng đòi hỏi vì phụ nữ sợ mất những quyền mà họ khó khăn lắm mới có được.

Phó thủ tướng thứ nhất là Mullah Baradar, người sang Thiên Tân gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương NgTaanhoom 28/7 (Ảnh: Dwnews).

Phó thủ tướng thứ nhất là Mullah Baradar, người sang Thiên Tân gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương NgTaanhoom 28/7 (Ảnh: Dwnews).

Liệu có sự "dàn xếp" của Trung Quốc?

Trước tình hình ở Afghanistan, hôm thứ Ba (7/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông tin chắc rằng sau khi Taliban cướp chính quyền ở Afghanistan vào ngày 15/8, Trung Quốc sẽ cố đạt được một thỏa thuận không chính thức với Taliban.

Khi được hỏi liệu ông có lo ngại Trung Quốc sẽ tài trợ cho Taliban, một tổ chức bị Mỹ trừng phạt hay không, Joe Biden nói với các phóng viên: "Trung Quốc có ý kiến ​​về Taliban. Vì vậy, họ sẽ cố gắng đạt được một số thỏa thuận với chúng. Pakistan, Nga, và Iran cũng vậy. Tất cả họ đang cố gắng làm rõ những gì họ cần làm".

Mỹ và các đồng minh Nhóm G7 đã đồng ý phối hợp đối phó với Taliban và Mỹ đã ngăn chặn Taliban lấy tiền gửi ngoại hối của Afghanistan. Hầu hết các khoản tiền này hiện do Cục Dự trữ Liên bang ở New York nắm giữ để đảm bảo rằng Taliban thực hiện các cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ và luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc và Nga hỗ trợ tài chính cho Taliban, đòn bẩy kinh tế này của Mỹ và các đồng minh với Taliban sẽ vô tác dụng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc đã có sự thỏa thuận với Taliban (Ảnh: Deutsche Welle).

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc đã có sự thỏa thuận với Taliban (Ảnh: Deutsche Welle).

Italy, chủ tịch luân phiên của Tập đoàn G20, đang định tổ chức một cuộc họp tương tự của G20 về Afghanistan, nhưng ngày giờ vẫn chưa được công bố. Hãng Reuters chỉ ra rằng điều này cho thấy quan điểm của nhóm này vẫn chưa có sự thống nhất.

Ngày 29/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Vương Nghị nói, tất cả các bên cần tiếp xúc với Taliban và tích cực dẫn dắt họ.

Trung Quốc hiện chưa chính thức công nhận Taliban là những người thống trị mới của Afghanistan, nhưng ông Vương Nghị đã đón tiếp nhận Baradhar, người đứng đầu ủy ban chính trị của Taliban hôm 28/7, hiện ông này được Taliban bổ nhiệm làm Phó thủ tướng trong chính phủ lâm thời. Vương Nghị cũng tuyên bố rằng nếu Hội đồng Bảo an muốn thực hiện bất kỳ hành động nào, thì điều đó sẽ giúp làm dịu hơn chứ không gia tăng mâu thuẫn, và giúp tình hình ở Afghanistan quá độ suôn sẻ hơn chứ không gây tái bùng phát bất ổn.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình ở Kabul đòi quyền lợi hôm 7/9, bị Taliban bắn chỉ thiên giải tán (Ảnh: AFP.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình ở Kabul đòi quyền lợi hôm 7/9, bị Taliban bắn chỉ thiên giải tán (Ảnh: AFP.

Các tổ chức nhân quyền: Liên Hợp Quốc đừng bỏ rơi người Afghanistan!

Trong khi đó, bà Mary Robinson, chủ tịch của The Elders, một tổ chức nhân quyền quốc tế, ngày 7/9 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đừng bỏ rơi phụ nữ và trẻ em ở Afghanistan; bà đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và Moscow gây áp lực lên Taliban.

Bà cựu Tổng thống Ireland này đã phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về hòa bình và an ninh toàn cầu: “Quyền của phụ nữ không phải là quyền của phương Tây”.

Bà chỉ ra rằng trong 20 năm qua, rất không dễ dàng để Afghanistan đạt được bình đẳng giới và quyền của phụ nữ thông qua các cải cách hiến pháp, lập pháp và chính sách. Với việc Taliban chớp nhoáng tiếp quản chính quyền vào tháng trước sau khi quân đội Mỹ rút đi, hiện nay những tiến bộ này có thể đi tong.

Robinson cũng nói: “Chúng ta không thể cho phép phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị tước đoạt các quyền này, bao gồm cả quyền rời khỏi đất nước”. Bà nói rằng các thành viên của Hội đồng Bảo an không thể để họ thất vọng. Bà nói thêm rằng cơ quan cao nhất của Liên Hợp Quốc "phải đi xa hơn so với nghị quyết mà họ đã thông qua vào cuối tháng 8", trong đó kêu gọi một sự ra đi an toàn cho những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước.

Bà nói: “Tôi đặc biệt kêu gọi Trung Quốc và Nga, khi giao du với Taliban cần nhắc nhở họ cần ý thức được rằng sự tham gia của phụ nữ trong xã hội và sự bình đẳng nam nữ là không thể thương lượng. Điều này phải được bảo vệ”.