Chính phủ điện tử và tinh giản bộ máy hành chính: Không dễ làm được nếu không quyết tâm

VietTimes -- Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chính thức vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, để chính phủ điện tử hoạt động hiệu quả thì bộ máy cán bộ cho nó cũng phải hiệu quả và tinh giản về mặt nhân sự. Cùng với việc đó là vấn đề phải có mức lương cạnh tranh thay vì một mặt bằng chung của các cơ quan nhà nước.
Chính phủ Điện tử chưa thể hiệu quả do yếu tố nhân sự và tiền lương. Biếm họa của PC World Vietnam
Chính phủ Điện tử chưa thể hiệu quả do yếu tố nhân sự và tiền lương. Biếm họa của PC World Vietnam

Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, trong 2 năm 2015-2016, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, đạt 0,83%, thấp hơn cả mức tinh giản tự nhiên ước tính 1-1,5%/năm. Đã lặp lại chuyện rất cũ, vẫn tồn tại hòn đá tảng cản trở nỗ lực tinh giản biên chế. Một thực trạng khác buộc phải nhìn nhận, số lượng nhân sự trong bộ máy công quyền không giảm cùng với thành tựu của chính phủ điện tử. 

Đặt trong bối cảnh những nỗ lực cải cách tiền lương đang được thực hiện theo hướng trả lương theo vị trí công việc, rút ngắn khoảng cách giữa thu nhập của các nhân sự trong bộ máy công quyền với khối tư nhân theo tinh thần “Cải cách chính sách tiền lương” đang được bàn thảo, tìm lời đáp cho câu hỏi nêu trên là một việc không nên bỏ qua.

Theo kế hoạch, sau khi Đề án Cải cách tiền lương được thông qua, từ năm 2021, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện cải cách này. Lý tưởng là “trả lương công chức theo năng lực” để người lao động có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, khắc phục bất hợp lý trong chi trả theo bằng cấp. Để thực hiện được việc này, các nhà quản lý buộc phải nhìn thẳng vào sự cồng kềnh của bộ máy hành chính rất đặc thù hiện nay. Nghĩa là, cần phải có một cuộc tổng điều tra công chức, làm cơ sở tham chiếu cho việc định hình bộ máy công quyền trong tương lai. 11 triệu người đang hưởng lương hoặc các khoản thu nhập tương đương lương là một gánh nặng đối với cả những nền kinh tế phát triển, chứ không chỉ với đất nước đang có mức nợ công chạm trần như Việt Nam.

Theo PGS TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học Quản lý, vấn đề mấu chốt vẫn là trách nhiệm của người lãnh đạo đơn vị. Người đứng đầu phải nắm được số nhân sự hiện có, hiệu quả của từng vị trí và khối lượng công việc chung của đơn vị công tác, từ đó, đề xuất số nhân sự hiệu quả nhất cho mô hình tổ chức mới. Tiếp đó, người đứng đầu phải tham gia vào quá trình tuyển chọn nhân sự mới, đào tạo bồi dưỡng họ và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của họ trong tương lai. Tuy nhiên, ông Tri cho rằng, rất khó để tìm được người đứng đầu đủ tâm và tầm nhận những trách nhiệm nêu trên. Trong viễn cảnh lạc quan nhất, sau khi cuộc thanh lọc biên chế diễn ra như dự định, việc giải quyết công ăn việc làm cho những công chức, viên chức dôi dư cũng sẽ không dễ dàng gì.