Chính phủ điện tử: Cần loại bỏ “tử huyệt” của phát triển CNTT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc thì Việt Nam tăng 2 bậc, hiện xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á, nhưng vẫn cần loại bỏ “tử huyệt” của phát triển CNTT nếu muốn vươn lên vị trí 4/11.
Ông Nguyễn Minh Hồng (người đầu tiên từ trái sang - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam dự hội nghị Chính phủ điện tử (Ảnh: Trường Giang)
Ông Nguyễn Minh Hồng (người đầu tiên từ trái sang - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam dự hội nghị Chính phủ điện tử (Ảnh: Trường Giang)

Những con số đáng mừng

Ngày 17/9/2020, tại TP.HCM, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam), Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Cục Tin học hóa, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử (eGov) lần thứ 15. Sự kiện được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và UBND TP.HCM bảo trợ.

“Năm 2020 đánh dấu cột mốc tròn 15 năm sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Trong 15 lần tổ chức, sự kiện luôn nhận được sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng lãnh đạo các tỉnh thành lớn. Năm nay, sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng Chính phủ Điện tử hướng đến Chính phủ Số” – Ông Lê Thanh Tâm -  Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) - phát biểu.

Ông Lê Thành Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam)-Ảnh: Trường Giang
Ông Lê Thanh Tâm -  Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (Ảnh: Trường Giang)


Tính đến hết tháng 8/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký, hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng. Từ tháng 3 đến nay, hệ thống thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công đã được triển khai, thực hiện trên 9.000 giao dịch.

Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy hạ tầng công nghệ phục vụ Chính phủ điện tử và xa hơn là Chính phủ số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử; hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương.

Hạ tầng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử ngày càng phát triển (Ảnh: Hòa Bình)
Hạ tầng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử ngày càng phát triển (Ảnh: Hòa Bình) 


Hiện tại, theo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc thì Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đạt tới mục tiêu tới  năm 2025 sẽ nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử, thì còn có rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 đặt ra nhiều vấn đề: Phát triển chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - mô hình và giải pháp công nghệ.

Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam trao đổi tại các gian hàng trưng bày CNTT (Ảnh: Hòa Bình)
Ông Nguyễn Minh Hồng (thứ ba từ trái sang) - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo tại các gian hàng trưng bày CNTT (Ảnh: Hòa Bình)


Tại phiên báo cáo, các đại biểu tập trung giới thiệu mô hình, lộ trình và giải pháp công nghệ, nhằm phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ số với các bài báo cáo của UBND TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Quốc hội, Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel.

Ông Trương Gia Bình, thành viên UB Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số VN cùng khách mời thăm các gian hàng (Ảnh: Hòa Bình)
Các đại biểu thăm gian hàng triển lãm CNTT tại Hội thảo (Ảnh: Hòa Bình)
 Các đại biểu thăm gian hàng triển lãm CNTT tại Hội thảo (Ảnh: Hòa Bình)


Cần loại bỏ “tử huyệt” của phát triển CNTT

“Liệu năm 2021 Việt Nam có thể tiến tới 100% tỉnh, thành, ban, ngành đều đạt mức dịch vụ công mức 4 hay không? Nếu không phải là 2021 thì năm nào? Nếu không phải 100% thì bao nhiêu phần trăm?” – PGS.TS Trương Gia Bình trăn trở.

“Để vươn từ thứ 6 lên thứ 4 trong các nước ASEAN, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lập kế hoạch cho Chính phủ số, với lộ trình 2021-2025 và 2025-2030” – Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.  

Nói về lộ trình xây dựng, phát triển Chính phủ số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Trọng Đường đánh giá rằng chuyển đổi số tức là thay đổi tổng thể và toàn diện về cách nghĩ, cách làm. “Chuyển đổi số là trách nhiệm của ai? Tôi cho rằng người đứng đầu là rất quan trọng, vì không ai dám thay đổi nếu người đứng đầu không cho phép. Ngoài ra, vì là thay đổi toàn diện nên tất cả đều phải vào cuộc chứ không phải việc riêng của ngành CNTT hay Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Ông Nguyễn Trọng Đường cung cấp chi tiết: “Năm bộ, ngành mà chúng tôi đánh giá là đứng đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gồm: Bộ Tài chính đạt chỉ số 0,9. Bộ Công Thương đứng thứ 2 đạt 0,59. Bộ TTTT đứng thứ 3 đạt 1,86. Bộ Y tế đứng thứ 4 đạt 0,86. Ngân hàng Nhà nước đạt 0,85. Khối các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đạt chỉ số bằng 2/3 của các bộ ngành”.

Khách mời
Các đại biểu dự Hội thảo thăm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (Ảnh: Hòa Bình) 

Nhiều đại biểu dự hội thảo cho biết trong thực tế, sẽ có những dịch vụ công chắc chắn không thể lên đến cấp độ 3,4. Nhiều ý kiến cho rằng nên hướng đến mục tiêu cụ thể, ví dụ, cung cấp khoảng 3 dịch vụ thôi nhưng thỏa mãn 300.000 hồ sơ thì sẽ khác với việc cung cấp 300 dịch vụ nhưng số lượng người dùng rất ít.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết 99% các thủ tục của Bộ Công thương thực hiện qua mạng, không dùng giấy: Quan trọng nhất là doanh nghiệp được trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến, mỗi năm Bộ Công Thương đáp ứng 1,5 triệu hồ sơ. Còn phải cải cách hành chính nữa, làm sao để người dùng phải thấy tiện lợi, dễ dàng, chứ không phải có gì thì mang lên sử dụng.

Theo phản ánh, tình trạng kẹt xe ngoài đường ở TP.HCM và phải chờ đợi thủ tục ở bệnh viện là vẫn còn. Tuy nhiên, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: “Ngành y tế đang ứng dụng CNTT mạnh mẽ để thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Việc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ đầu dịch đến giờ đã được sự hỗ trợ rất nhiều của CNTT. Đặc biệt là Trung tâm điều hành hỗ trợ điều trị COVID-19 từ xa có tới 31 điểm cầu. Ngày 25/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhấn nút khai trương 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. CNTT chính là một trong những giải pháp đưa chất lượng khám, chữa bệnh đến với các vùng cao, vùng xa”- BS Khuê cho biết.

Nhiều khách mời tham dự hội nghị về Chính phủ điện tử tâm đắc với nhận định về
Nhiều khách mời tham dự hội nghị về Chính phủ điện tử tâm đắc với nhận định về "tử huyệt" phát triển CNTT (Ảnh: Trường Giang)


Vấn đề chi cho số hóa chưa được chính thức, còn đang phải “đội lốt” các nguồn chi khác cũng được nhiều đại biểu dự hội nghị đặt ra. Các nước phát triển dành 2-3 % ngân sách quốc gia cho CNTT nhưng ở Việt Nam hiện tại chỉ đang khoảng 0.2%, các đại biểu kiến nghị đưa lên 1%. Vấn đề này được ông Trương Gia Bình gọi là “tử huyệt” cho phát triển CNTT của đất nước.

“Vấn đề kiến trúc Chính quyền điện tử trong công cuộc chuyển đổi số của TP.HCM được lãnh đạo thành phố đặt ra như một trong những mục tiêu quan trọng để đưa Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, phát huy tính chủ động của các sở ngành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. TP.HCM tập trung chuyển đổi CNTT, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 có thể đồng bộ nhiều dịch vụ công, phục vụ thành phố thông minh” – Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu.

Thể chế, người đứng đầu, quyết liệt, tinh thần phục vụ, tính sáng tạo, lợi ích của các bên, quản lý internet, nền … là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. Tựu trung lại, mục đích cao nhất phải vì người dân.

“Thực sự rất cần sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp, cần hệ thống chính sách, suy nghĩ rất kỹ về việc cải cách hành chính phải đi trước, cắt giảm thủ tục, đừng tính số  lượng mà xem chất lượng, người dân phải thấy CNTT là dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng. Chính phủ phải thấy rõ tại sao tỉnh này lại chậm, ngành  kia lại không đạt mức cần thiết. Phải tạo niềm tin thì công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử mới thành công” – Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Chủ trì và chỉ đạo Hội thảo có ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam và ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam.  

Tham dự sự kiện này còn có ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trương Gia Bình - thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phú Yên; lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Tham dự theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Đà Nẵng có ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội. Ngoài ra còn nhiều điểm cầu các tỉnh thành và ban ngành cùng theo dõi hội nghị.