Chính phủ báo cáo Quốc hội: GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua

VietTimes – Thông tin này thể hiện tại báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đọc tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 21/5. Theo đó, đại diện Chính phủ cho biết nền kinh tế trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và có chất lượng hơn.   
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: VGP

Tăng trưởng nhanh và chất lượng hơn

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh điểm nổi bật trong tăng trưởng kinh tế quý I là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ.

Theo đó, nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%), công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ . Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.

Chính phủ đánh giá, trong quý I/2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%, lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%, đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%.  . Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD…

Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh với mức tăng lên tới 19,1% trong 4 tháng đầu năm, với cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%, xuất siêu 3,4 tỷ USD…

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%), trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%, thể hiện rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân – Báo cáo của Chính phủ đánh giá. Đồng thời, thị trường chứng khoán tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.

Thu NSNN 4 tháng tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp...  Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay. Trong 4 tháng có trên 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 11 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng….  

Xử lý sai phạm quyết liệt hơn

Liên quan tới các nội dung “nóng” mà Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh thời gian qua về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, báo cáo do Phó Thủ tướng trình trước Quốc hội cho biết, Chính phủ đã ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ hàng tháng.

Qua đó, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 (khóa XII). Hoàn thiện việc xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét, cho ý kiến 08 dự án luật, thông qua 08 dự án luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 .

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giao cho các Bộ ngành, địa phương . Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, tài chính, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay đã có 26 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối liên thông văn bản điều hành. Chính phủ đã đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại với nông dân, công nhân; mở thêm các kênh tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Ban đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đoàn thể.

Đặc biệt, Chính phủ đã đẩy mạnh công tác thanh tra, tập trung triển khai theo kế hoạch. Theo đó, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được chỉ đạo quyết liệt, ban hành kết luận, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường.

Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng; nghiêm túc triển khai các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của Lãnh đạo chủ chốt. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn Dầu khí…).

Ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức Hội nghị của Chính phủ với các Bộ, ngành và 27 địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong 4 tháng, tổ chức tiếp trên 82 nghìn lượt công dân; giải quyết trên 5,4 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo.

Từ đây, báo cáo Chính phủ cho biết trong chương trình tiếp theo, Chính phủ sẽ tập trung triển khai Kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận, không để thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Sớm hoàn thành kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát.