Chính phủ Ấn Độ đặt khu vực lãnh thổ tranh chấp dưới sự quản lý trực tiếp của trung ương, Bắc Kinh và New Delhi bùng nổ khẩu chiến ngoại giao

VietTimes -- Quyết định của Chính phủ Ấn Độ tuyên bố phân chia bang Jammu & Kashmir thành hai vùng lãnh thổ trực thuộc liên bang có hiệu lực từ ngày 31/10 là một trong những hành động của chính quyền New Delhi nhằm thắt chặt kiểm soát khu vực đầy biến động này. Tuy nhiên, quyết định có tính chất công việc nội bộ này của Ấn Độ đã bị Trung Quốc phản ứng quyết liệt và gây ra một cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa hai bên.
Từ ngày 31/10, chính phủ Ấn Độ quyết định phân chia bang Jammu & Kashmir thành hai vùng lãnh thổ trực thuộc chính phủ liên bang (màu Tím và Xanh tím) đã gây nên khẩu chiến ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Từ ngày 31/10, chính phủ Ấn Độ quyết định phân chia bang Jammu & Kashmir thành hai vùng lãnh thổ trực thuộc chính phủ liên bang (màu Tím và Xanh tím) đã gây nên khẩu chiến ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Chiều ngày 31/10, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ về việc Ấn Độ chia bang Jammu & Kashmir thành “Vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương Jammu & Kashmir” và “Vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương Ladakh”. Cảnh Sảng nói: chính quyền New Delhi đã thông qua cách đơn phương sửa đổi luật pháp trong nước và phân chia lại khu vực hành chính để đưa một phần lãnh thổ Trung Quốc vào khu vực hành chính của Ấn Độ. Cách làm này là bất hợp pháp, không có hiệu lực và sẽ không thay đổi sự thật các khu vực liên quan nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào.

Ông Cảnh Sảng: hành động của Ấn Độ là bất hợp pháp, không có hiệu lực và sẽ không thay đổi sự thật các khu vực liên quan nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào.
Ông Cảnh Sảng: hành động của Ấn Độ là bất hợp pháp, không có hiệu lực và sẽ không thay đổi sự thật các khu vực liên quan nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào.

Ông nói: “Trung Quốc kêu gọi phía Ấn Độ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, tuân thủ các thỏa thuận có liên quan giữa hai bên và thực hiện các hành động cụ thể để bảo vệ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới Trung-Ấn và tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước giải quyết đúng đắn vấn đề biên giới”.

Ông Cảnh Sảng nói, vấn đề của Kashmir là một tranh chấp do lịch sử để lại và cần được giải quyết một cách đúng đắn bằng phương thức hòa bình theo “Hiến chương Liên Hợp Quốc”, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các hiệp định song phương có liên quan. Các bên liên quan nên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hiệp thương và duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh lớn vì vấn đề biên giới năm 1962, nhưng kể từ cuộc chiến tranh đó đến nay, hai nước Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không thể giải quyết được tranh chấp biên giới.

Ông Raveesh Kumar: Ấn Độ không muốn Trung Quốc, bình luận về công việc nội bộ của Ấn Độ, giống như Ấn Độ không bình luận về công việc nội bộ của các nước khác
Ông Raveesh Kumar: Ấn Độ không muốn Trung Quốc, bình luận về công việc nội bộ của Ấn Độ, giống như Ấn Độ không bình luận về công việc nội bộ của các nước khác

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar ngày 31/10 khi đáp lại lời của Cảnh Sảng, cũng nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi không muốn các nước khác, trong đó có Trung Quốc, bình luận về công việc nội bộ của Ấn Độ, giống như Ấn Độ không bình luận về công việc nội bộ của các nước khác”.

Ông nói, New Delhi luôn tránh bình luận về chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, từ chối gia nhập liên minh các nước phương Tây do Mỹ lãnh đạo kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi giam cầm người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người Hồi giáo thiểu số khác.

Ngoài ra, New Delhi cũng đã giảm đáng kể cuộc tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao Ấn Độ với lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng Dalai Lama (Đạt Lai Lạt Ma).  Đức Dalai Lama sau khi rời quê hương Tây Tạng hiện sống trong chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ.

Ông Trưởng quan Vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương duyệt đội danh dự trong lễ nhận chức
Ông Trưởng quan Vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương duyệt đội danh dự trong lễ nhận chức

Ông Raveesh Kumar nói: “Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng những vùng đất rộng lớn ở Lãnh thổ Trung ương Jamu & Kashmir và Lãnh thổ Trung ương Ladakh. Theo Hiệp định biên giới 1963 Trung Quốc - Pakistan, họ cũng chiếm giữ trái phép lãnh thổ Ấn Độ từ khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát”.

Theo BBC, ngày 31/10 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký lệnh bổ nhiệm Trưởng quan điều hành của hai vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương nói trên, cũng có nghĩa là Đạo luật 370 (Article 370) được Ấn Độ ban hành vào tháng 8/2019, đã chính thức có hiệu lực. Hai khu vực tranh chấp trên biên giới với Trung Quốc và Pakistan đã được đặt dưới quyền tài phán trực tiếp của Chính phủ trung ương Ấn Độ kể từ ngày 31/10/2019.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thề sẽ mang đến một “tương lai tươi sáng” cho khu vực Kashmir.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thề sẽ mang đến một “tương lai tươi sáng” cho khu vực Kashmir.

Ngoài vùng Jammu & Kashmir tranh chấp với Pakistan, Ladakh - nơi có tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng sẽ thành lập “Vùng lãnh thổ Liên bang” (Union Territories), do chính phủ trung ương trực tiếp quản lý, điều này khiến các chính trị gia địa phương rất vui mừng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hôm 31/10 đã về bang Gujarat quê hương, đứng cạnh bức tượng khổng lồ của Sardar Vallabhbhai Patel, người anh hùng của Phong trào độc lập Ấn Độ, ông thề sẽ mang đến một “tương lai tươi sáng” cho khu vực Kashmir.

Ông Narendra Modi nói, Kashmir là “nơi duy nhất có 40.000 người thiệt mạng vì chủ nghĩa khủng bố trong 30 năm qua. Nhiều bà mẹ đã mất những người con trai ... Liệu chúng ta còn khoanh tay đứng nhìn những người dân vô tội bị cướp đi tính mạng trong bao lâu nữa?”.

Theo RTI, Guancha