Trên thực tế, các loại vũ khí mà các đơn vị YPG đang sử dụng không thể được mua trên thị trường chợ đen. ông Mete Yarar nhấn mạnh:
"Liệu trên thị trường chợ đen phạm vị toàn cầu có thể tìm mua các hệ thống chống tên lửa, ví dụ như MILAN, TOW và AT4? Tất nhiên là không. Trong những ngày gần đây, YPG thỉnh thoảng công bố hình ảnh các loại vũ khí mà họ sử dụng ở khu vực Afrin để bắn vào các xe tăng và quân nhân của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi biết rằng, trước đây Mỹ đã cung cấp vũ khí này cho các đơn vị người Kurd trong khuôn khổ chiến dịch đấu tranh chống IS. Nếu vũ khí này đang hiện diện ở Afrin, thì tuyên bố của Mỹ về việc đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) sử dụng các loại vũ khí này chỉ riêng trên vùng lãnh thổ phía đông sông Euphrates là không đúng sự thật".
Ông Yarar cũng lưu ý rằng, các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) không chỉ một lần sử dụng vũ khí này để chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đã thấy vũ khí này không chỉ ở khu vực Afrin. Trước đây vũ khí đó đã được sử dụng ở các khu vực Çukurca và Şemdinli của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và bị thương do các đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa có điều khiển. Sau đó chúng tôi đã bắt được một số vũ khí trong các cuộc đụng độ với bọn khủng bố. Hiện nay, chúng tôi làm sáng tỏ vũ khí này được cung cấp thông qua kênh nào, qua Mỹ hoặc các lực lượng liên minh", ông Yarar cho biết.
Về phần mình, Trung tướng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan Karakush nhấn mạnh rằng, kể từ năm 1984, nhiều quốc gia NATO cung cấp hỗ trợ cho PKK.
"Kể từ năm 1984, sự hỗ trợ của Đức, Pháp và Ý cho PKK so sánh được với khối lượng viện trợ của Mỹ. Trong viện bảo tàng quân sự ở Harbiye (Thổ Nhĩ Kỳ) có một gian trưng bày dành riêng cho cuộc chiến chống khủng bố. Trước đây, các tay súng PKK không thể tự chế tạo chất nổ, vì thế Đức, Ý, Pháp và các nước NATO khác đã cung cấp cho họ rất nhiều mìn và đạn dược. Bây giờ những quả mìn và viên đạn mà chúng tôi đã phát hiện và xử lý đang được trưng bày trong viện bảo tàng", ông Karakush nói.
"Trước đây các lực lượng quân đội Syria tự do đã kiểm soát khu vực Afrin, sau đó Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) đã thiết lập sự kiểm soát ở đây và đưa vào khu vực này các loại vũ khí mà họ sở hữu. Trước khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch "Lá chắn Euphrates", đã không có khả năng xác định chính xác nguồn cung cấp vũ khí và những hành trình vận chuyển vũ khí ở phía bắc Syria. Ngoài ra, các tay súng PKK thỉnh thoảng hợp tác với IS. Tóm lại có thể nói rằng, việc vận chuyển và cung cấp vũ khí ở khu vực này không phải là một vấn đề khó khăn. Trước khi Nga hiện diện quân sự trong khu vực, vũ khí đã được cung cấp cho các đơn vị Kurd bằng đường hàng không, các máy bay đã hạ cánh tại sân bay địa phương", ông Karakush kết luận.