Chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, Trump quay ngoắt “đình chiến” với EU: Vì đâu?

VietTimes -- Động thái này trái ngược 180 độ với tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump chỉ trước đó 10 ngày với kênh truyền hình CBS News  sau chuyến thăm Anh: "Tôi nghĩ chúng tôi có rất nhiều kẻ thù. Có thể bạn không nghĩ tới nhưng EU là kẻ thù". Giới phân tích đặt câu hỏi: do đâu Tổng thống Mỹ D.Trump bỗng chốc lật ngược 180 độ quan điểm về EU?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ôm hôn nồng thắm Donald Trump như chưa từng có việc đấu khẩu và căng thẳng
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ôm hôn nồng thắm Donald Trump như chưa từng có việc đấu khẩu và căng thẳng

Trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang trải qua sóng gió có thể dẫn tới kết cục tan rã, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã có chuyến công du tới Mỹ và hội đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump với kết quả rất bất ngờ: hai bên đưa ra tuyên bố rằng họ đã đạt được “thỏa thuận đột phá” về thương mại. Tổng thống Mỹ D.Trump còn tuyên bố rằng quan hệ Mỹ-EU đang  ở trong trạng thái “rất chi là tốt đẹp”. Thậm chí, D.Trump còn đăng trên Twitter cá nhân bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đang ôm hôn nhau thắm thiết như thể họ là tình nhân của nhau!

D.Trump và Jean-Claude Juncker ký thỏa thuận “đình chiến thương mại”

Ngay trong nội bộ lãnh đạo các nước thành viên EU, không có ai tin chuyến công du tới Mỹ của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker có thể thay đổi được tình trạng băng giá trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 đầu tháng 6 ở Canada và Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussel đầu tháng 7/2018, trong đó Tổng thống Mỹ D.Trump dùng những lời lẽ nặng nề nhất để chỉ trích EU chỉ biết “lợi dụng Mỹ”, còn Đức-thành viên đầu tàu EU bị coi là “tù nhân” của Nga. Thậm chí, ông D.Trump còn tuyên bố rằng  EU là “kẻ thù của nước Mỹ”.

Vì thế, cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker chỉ được quyết định tổ chức vào phút chót tại Vườn Hồng của Nhà Trắng để hai nhà lãnh đạo công bố thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa EU và Mỹ. Bản thân Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng không tin rằng có thể đạt được chút ít thỏa hiệp với chủ nhân Nhà Trắng vốn rất “ngang ngạnh”.

Nội dung của thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa EU và Mỹ bao gồm:

(1) Mỹ và các nước Châu Âu cam kết thành lập một nhóm làm việc về thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương, hướng tới mục tiêu không có thuế quan, không có hàng rào phi thuế quan và trợ cấp bằng không đối với hàng hóa công nghiệp không thuộc ngành chế tạo ô tô.

(2) Đình chỉ ý định đánh thuế lên tới 25% đối với ô tô Châu Âu nhập khẩu vào Mỹ.

(3) Hai bên sẽ làm việc để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đối với sản phẩm thép và nhôm ngay cả khi quyết định của Washington và Brussels trả đũa lẫn nhau vẫn chưa được tuyên bố đình chỉ.

(4) Châu Âu cam kết mua thêm nhiều khí hóa lỏng và sản phẩm đậu tương của Mỹ.

(5) Hai bên cùng nhau bàn bạc tìm kiếm giải pháp cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Như vậy, với nỗ lực ngoai giao của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Châu Âu đã đẩy lùi một bước hiểm họa chiến tranh thương mại, trước hết là hóa giải mối đe dọa đánh thuế đối với ô tô xuất sang Mỹ, dự định có hiệu lực ngay lập tức.

Do đâu Tổng thống Mỹ D.Trump chấp nhận “đình chiến thương mại” với EU?

Có nhiều nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ D.Trump buộc phải tuyên bố “đình chiến thương mại” với EU.

Một là, do sự bất mãn ngày càng dâng cao của các nhà sản xuất ô tô của Mỹ cũng như nhiều nhà sản xuất công nghiệp khác đang bị giảm doanh thu do chiến tranh thương mại với châu Âu.

Hai là, các nhà sản xuất nông nghiệp ở miền Trung và một phần miền Tây nước Mỹ đang phải chịu thua thiệt lớn do các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và Mexico đánh thuế vào đậu tương và thịt lợn. Hậu quả là, Tổng thống Mỹ D.Trump đã phải quyết định chi 12 tỷ USD (10.2 tỷ Euro) viện trợ cho nông dân. Trong khi đó, các nghị sỹ quốc hội Mỹ cho rằng cách tốt nhất để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại không phải là giải cứu nạn nhân mà là cần phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến này.

Ba là, ngày càng có nhiều tiếng nói trong chính giới Mỹ phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ D.Trump và ủng hộ duy trì xu hướng không thể đảo ngược của thương mại tự do.  

Bốn là, Châu Âu đã dành cho Mỹ một số cam kết như không đánh thuế sản phẩm đậu tương của Mỹ xuất sang EU, tạo lối thoát cho nông dân Mỹ đang bị phản đòn từ các biện pháp đáp trả của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ D.Trump tỏ lời cảm ơn Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker về điều này.

Năm là, việc châu Âu mua khí hóa lỏng của Mỹ sẽ làm hài lòng những công ty xuất khẩu dầu có quan hệ cánh hẩu với ông chủ Nhà Trắng. Cam kết quan trọng này của châu Âu tạo ưu thế cho Tổng thống Mỹ D.Trump trong cuộc chiến tranh khí đốt với Tổng thống Nga V.Putin.

Sáu là, việc EU vừa ký kết thành công Hiệp định tự do thương mại có ý nghĩa lịch sử với Nhật Bản đã đẩy Mỹ vào thế bí, rất dễ bị gạt ra ngoài lề xu hướng tất yếu tự do thương mại toàn cầu.

Bảy là, dù Tổng thống Mỹ D.Trump có tuyên bố mạnh mẽ tới đâu về cuộc chiến tranh thương mại chưa từng có trong lịch sử với Trung Quốc, nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn lạnh lùng thực hiện các biện pháp đáp trả mà Mỹ khó có cách nào đối phó. Thí dụ, theo lệnh của ông Tập Cận Bình, Ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định hạ thấp tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la để tạo thêm sức hút của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới, ngoài Mỹ, khiến cho mọi biện pháp của Mỹ áp thuế đối với hàng Trung Quốc trở nên kém hiệu quả.  

Tám là, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới gần, Tổng thống Mỹ D.Trump không thể phớt lờ những ý kiến phản đối ông ngày một nhiều trong quốc hội cũng như trong giới doanh nghiệp.

Do đó, đã đến lúc Tổng thống Mỹ D.Trump nhận thấy Washington và Brussels cần trở thành một khối thống nhất, bởi Mỹ và EU chiếm hơn 850 triệu dân và chiếm một nửa GDP của toàn thế giới, tạo ra hơn 50% thương mại toàn cầu. Một khi Mỹ và EU đứng trên cùng một “chiến tuyến” thì sẽ có nhiều khả năng chiến thắng Trung Quốc. Một khi EU đã ký với Nhật Bản hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản, lại tiếp tục kỳ hiệp định tương tự với Trung Quốc thì thất bại của Mỹ là điều không thể tránh khỏi.

Trong tình cảnh ấy, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã có một cử chỉ rất đáng chú ý là tặng Tổng thống Mỹ D.Trump bức ảnh về nghĩa trang quân sự Luxembourg-nơi tướng Mỹ George Patton từng được coi là “người giải phóng Châu Âu” trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, được chôn cất vào năm 1944-1945. Trên bức ảnh này, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker ghi dòng chữ:“Donald thân mến, hãy nhớ lấy lịch sử chung của chúng ta”./.