'Chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính, theo World Bank.
Rủi ro từ khu vực kinh tế thực đang thẩm thấu sang khu vực tài chính?
Rủi ro từ khu vực kinh tế thực đang thẩm thấu sang khu vực tài chính?

Trong báo cáo điểm lại tháng 8/2021 “Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cảnh báo về chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng.

World Bank cho rằng tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế thực bị ảnh hưởng, như du lịch, hàng không, và có thể cả bất động sản.

Cụ thể, hai đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhất là đợt dịch từ tháng 5/2021, đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo trong danh mục của các ngân hàng chỉ tăng rất ít, từ 1,63% trong tháng 12/2019 lên 2,14% trong tháng 9/2020. Chỉ tiêu này đang thấp, theo World Bank, là do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, số liệu mà World Bank công bố cho thấy, tỉ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021.

“Mặc dù tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính”, báo cáo nêu.

World Bank khuyến nghị đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu, và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.

Đáng chú ý, số liệu của World Bank cũng cho thấy tốc độ tăng tổng tiền gửi đã giảm từ tháng 5/2021 do những bất định về đại dịch tăng lên. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng mạnh từ nửa sau năm 2020, trái ngược với diễn biến của tiền gửi cá nhân.

Báo cáo cho biết, nhiều cá nhân đã và đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế ngày càng lớn do tình hình kinh tế trong nước đang có chiều hướng xấu đi trong vài tháng qua.

Chẳng hạn, thị trường lao động vẫn chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây về việc làm và thu nhập của lao động bắt đầu phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch tháng 4.

Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét hơn, thậm chí trước đợt dịch Covid-19 bùng phát tháng 4. Trong tháng 3 năm 2021, 30% các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3 năm 2020, giảm từ tỷ lệ khoảng 50% hồi tháng 1 năm 2021./.