Cha đẻ của kỹ thuật “Học sâu” lo ngại về việc sử dụng Trí tuệ Nhân tạo ở Trung Quốc

VietTimes – Ông Yoshua Bengio, một nhà khoa học máy tính người Canada, một chuyên gia hàng đầu về Học sâu (Deep Learning) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) mới đây đã bày tỏ sự lo ngại về việc sử dụng AI trong hoạt động giám sát và kiểm soát chính trị ở Trung Quốc.
Trung Quốc sử dụng rất nhiều camera để giám sát người dân (ảnh: Bloomberg)
Trung Quốc sử dụng rất nhiều camera để giám sát người dân (ảnh: Bloomberg)

Ông Bengio, nhà sáng lập công ty Element AI có trụ sở tại Montreal, nói rằng ông cảm thấy quan ngại khi chính phủ Trung Quốc đang sử dụng AI để kiểm soát hành vi của người dân và tạo ảnh hưởng đến tâm trí của họ.

“Tôi nghĩ việc sử dụng AI [ở Trung Quốc] sẽ ngày càng trở nên đáng sợ hơn”, ông Bengio nói.

Ông Bengio được coi là một trong ba “bố già” của kỹ thuật Học sâu cùng với Yann LeCun và Geoff Hinton. “Học sâu” là một công nghệ sử dụng các mạng thần kinh – một loại phần mềm dựa trên các khía cạnh của bộ não con người – để đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu. Nhờ Học sâu mà các nhà khoa học đã đạt được nhiều tiến bộ trong nhận diện khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dịch thuật và các thuật toán đề xuất.

Học sâu cần một lượng lớn dữ liệu để cung cấp các mẫu cho máy học. Trung Quốc – với dân số lớn cùng một hệ thống lưu trữ dữ liệu khổng lồ của nhà nước – hoàn toàn thích hợp cho Học sâu.

Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng hệ thống camera giấu kín và hệ thống nhận diện khuôn mặt để theo dõi những gì công dân họ làm ở nơi công cộng, từ lái xe lạng lách cho đến các hoạt động chống đối. Trung Quốc cũng lập ra một “Nền tảng chia sẻ Chỉ số Tín nhiệm Công dân”, đưa vào danh sách đen những người có hành vi xấu khi di chuyển bằng đường sắt và đường hàng không. Nước này đang có ý định mở rộng việc đánh giá công dân trong nhiều lĩnh vực khác.

ông Yoshua Bengio, chuyên gia hàng đầu về Học sâu và Trí tuệ Nhân tạo (ảnh: Medium)
ông Yoshua Bengio, chuyên gia hàng đầu về Học sâu và Trí tuệ Nhân tạo (ảnh: Medium)

Ông Bengio không phải là người duy nhất tỏ ý quan ngại các trường hợp sử dụng AI ở Trung Quốc. Tỷ phú George Soros gần đây trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nêu lên những rủi ro trong việc sử dụng AI ở Trung Quốc, ở khía cạnh vi phạm quyền riêng tư của mỗi công dân.

Không giống như một số đồng nghiệp, ông Bengio đã chống lại sự cám dỗ để không làm việc cho những công ty công nghệ lớn có xu hướng đặt quảng cáo lên trên quyền riêng tư. Ông Bengio nói rằng nếu các công ty công nghệ lớn phát triển AI có trách nhiệm, họ sẽ phải thay đổi cách thức vận hành hiện thời.

Lượng dữ liệu khổng lồ mà các công ty công nghệ lớn đang có trong tay cũng là một mối quan ngại. Ông Bengio nói rằng việc tạo ra các đơn vị ủy thác dữ liệu – các tổ chức phi lợi nhuận hoặc khung pháp lý theo đó mọi người sở hữu dữ liệu của họ và chỉ cho phép sử dụng vào những mục đích nhất định – sẽ là giải pháp đảm bảo quyền riêng tư cho mọi công dân. Nếu một đơn vị ủy thác nắm giữ đủ dữ liệu, họ sẽ đàm phán tốt hơn với các công ty lớn để có những điều khoản có lợi cho người dùng.

Ông Bengio nói rằng có nhiều cách để phần mềm Học sâu được sử dụng một cách hữu ích. Trong một cuộc nói chuyện vào hôm 8/2 tại văn phòng của Tổ chức Ân xá Quốc tế ở London, ông Bengio đã tiết lộ một dự án sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh Thực tế Tăng cường mô tả thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu đối với từng ngôi nhà và từng con phố.

“Bố già” Học sâu cũng nói rằng việc áp dụng AI sẽ khiến nhiều người mất việc làm. Các chính phủ cần phải chủ động suy nghĩ về những rủi ro này, bao gồm xem xét các cách thức để phân phối lại của cải trong xã hội.

“Công nghệ, khi nó trở nên mạnh mẽ hơn, vượt ra khỏi sự ảnh hưởng bình thường, sẽ dẫn đến một sự tập trung quyền lực và của cải. Điều này không tốt cho sự dân chủ, không tốt cho công bằng xã hội và phúc lợi chung của hầu hết mọi người”, ông Bengio nói.

Theo Bloomberg