|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong buổi trò chuyện riêng với VietTimes nhân dịp 45 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Thục Nhi. |
Là nhạc sĩ hiếm hoi trong làng nhạc Việt Nam có 70 năm tuổi Đảng và ở tuổi 90 ông vẫn gắng nhớ lại những gì đã diễn ra quanh bài ca bất hủ về Bác với tựa đề “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”...
Kỉ lục quốc gia và những kỉ lục chưa có tiền lệ
Nhạc sĩ Phạm Tuyên tự nhận mình là người may mắn bởi ông sáng tác các ca khúc rất nhanh, dường như mọi cảm xúc, ca từ đã có sẵn trong đời sống mà ông chỉ là người chắt chiu, gom góp và viết lại. Nhưng đó chỉ là sự khiêm tốn của một nhạc sĩ tài danh, bởi nếu không bằng trái tim nhạy cảm, giàu cảm xúc, sự nhìn nhận thông minh, tinh tế và kiến thức sâu rộng, nhạc sĩ Phạm Tuyên không thể nắm bắt và xử lý nhanh chóng các thông tin, để chỉ trong mấy tiếng có thể viết được ca khúc nhiều thế hệ yêu thích, trở thành ca khúc nằm lòng cho đông đảo công chúng hâm mộ.
Ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” là ví dụ điển hình. Chỉ với 6 dòng ngắn gọn và tất cả cảm xúc, ý tưởng gợi nên cho tới khi thành hình chỉ trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nhưng ca khúc ngỡ như chỉ dành cho ngày chiến thắng đã trở thành bài ca hào hùng bất hủ reo vang trong suốt 45 năm qua, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều bạn bè thế giới cũng biết, yêu thích và học thuộc.
Trò chuyện với VietTimes, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết: “Trong cuộc liên hoan âm nhạc Hà Nội - Huế - Sài Gòn, khi đó tôi là Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hà Nội, có một vị khách mời Nhật Bản cùng tham gia biểu diễn, cô ấy đã ôm đàn ghi-ta hát 2 bài: một bài ca Nhật có tựa đề 'Hoa anh đào' và bài 'Như có Bác trong ngày vui đại thắng' bằng tiếng Nhật.
|
Bài hát "hư có Bác trong ngày vui đại thắng" được viết bằng tiếng Nhật. Ảnh: Thục Nhi
|
Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Vị khách mời đó cho biết: Nhiều người ở 48 tỉnh thành của họ đều biết bài hát này, rồi trao cho tôi bản nhạc của bài hát được viết bằng tiếng Nhật. Đoạn cuối của bài hát, mọi người trong chương trình thúc giục tôi lên hát đôi hai câu cuối: “Việt Nam, Hồ Chí Minh/ Việt Nam, Hồ Chí Minh”, vì hai câu này để nguyên, không dịch sang tiếng Nhật. Tôi rất xúc động. Trong các cuộc gặp gỡ với các đoàn biểu diễn văn nghệ nước ngoài, cả châu Âu và châu Á, mọi người cho biết: đã nghe bài hát này và rất thích thú”.
Với bài “Chú voi con ở bản Đôn”, một bài hát được đông đảo các thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc lòng, thường được phát trong các buổi lễ tựu trường, các sự kiện hay các khu vui chơi cho trẻ em trên toàn quốc, mặc dù ban đầu nó là một sáng tác “đặt hàng” cho riêng Tây Nguyên. Bài hát này ông cũng chỉ sáng tác trong khoảng thời gian ngồi trên xe sau cuộc thăm thú và lắng nghe các câu chuyện thú vị từ truyền thuyết và đời sống thực tế của bà con dân bản.
“Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội” cũng là ca khúc “đặt hàng” cho Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất (1981) nhưng đã trở thành bài hát nổi tiếng của thanh thiếu niên Việt Nam, bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và là một trong những bài hát dành cho các em hay nhất thế kỉ 20.
|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết đã viết rất nhanh ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng", chỉ vỏn vẹn trong 3 giờ đồng hồ. Ảnh: Hội Âm nhạc Hà Nội.
|
Với hơn 200 ca khúc dành cho các em, trong đó có bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" được cả người lớn và trẻ em yêu thích được ra đời chào mừng ngày 30/4/1975 lịch sử, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được trao bằng Guiness là nhạc sĩ có nhiều bài hát được trẻ em Việt Nam yêu thích nhất.
Nhưng có những kỉ lục, ví như kỉ lục về tốc độ sáng tác hay kỉ lục những ca khúc chỉ dành cho một sự kiện trở thành bài ca nổi tiếng, bất hủ thì có lẽ chỉ nhạc sĩ Phạm Tuyên mới có được.
Những ca từ giản dị mang tới hạnh phúc lớn lao
Chia sẻ về ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói: “Mọi người hỏi tôi rằng: 'Tại sao bác viết được một bài như thế?', tôi nghĩ rằng: nếu không phải là tôi chắc sẽ là một người khác bởi đó là tình cảm của toàn bộ nhân dân. Khi tổng kết lại bài hát, có nhiều học giả nói với tôi rằng sự giản dị trong một tác phẩm là sự tích lũy của rất nhiều điều, có những điều trông rất giản dị nhưng là sự kết tinh của những cung bậc cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ. Có lẽ đúng, bởi ca khúc được dồn nén từ những năm 1974, khi phát động chiến dịch Hồ Chí Minh. Tới cuối mùa xuân năm 1975 tôi mới bắt đầu đặt bút viết để rồi sau mấy tiếng ca khúc đã ra đời”.
|
Bìa cuốn sổ bài hát đầu tiên in bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Ảnh: Thục Nhi
|
“Như có Bác trong ngày vui đại thắng” từng được Bộ Giáo dục - Đào tạo chọn để dạy tích hợp cho thiếu nhi, qua bài hát các em đã hiểu về lịch sử đất nước một cách đầy háo hức: vì sao lại nói là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”? Vì Bác Hồ vẫn hằng mong mỏi và kêu gọi: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Bởi vậy, Bác đã mất nhưng khi đất nước thống nhất, nhớ tới Bác nên câu đầu tiên nhạc sĩ Phạm Tuyên đã dành dâng Bác: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Tại sao lại nói là 30 năm mà không phải là 20 hay 40 năm? Vì tính từ năm 1945 tới 1975 là tròn 30 năm đấu tranh dành toàn vẹn non sông. Hay vì sao câu kết chỉ có “Việt Nam! Hồ Chí Minh!”- vì chiến dịch năm ấy được đặt tên là chiến dịch Hồ Chí Minh; con đường vào viện trợ cho miền nam đấu tranh thống nhất đất nước cũng là con đường mang tên Bác. Cho nên, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Hồ Chí Minh…
Cho tới nay đã tròn 45 năm ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” ra đời và trở thành ca khúc hào hùng, bất hủ của dân tộc Việt Nam. Chỉ với những ca từ giản dị, ca khúc đã mang tới cho nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm tự hào và niềm hạnh phúc lớn lao.
Bên cạnh ca khúc này ông còn rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác, trong đó có những ca khúc về Đảng với ca từ nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, nhịp điệu tươi vui, đầy hào khí như: “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, “Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Màu cờ tôi yêu”. Ông còn có những ca khúc nổi tiếng về quê hương, đất nước như: “Bài ca người thợ mỏ”, “Yêu biết mấy những con đường”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Từ làng Sen”, “Gảy đàn lên hỡi những người bạn Mỹ”,…