CEO Kaspersky sẽ rời bỏ Nga nếu bị cơ quan tình báo yêu cầu làm gián điệp

VietTimes -- Nhà sáng lập công ty phần mềm diệt virus Kaspersky Lab có trụ sở tại Moscow đã tuyên bố vào ngày 28/11 rằng, ông sẽ từ bỏ nước Nga nếu cơ quan tình báo nước này yêu cầu công ty ông làm gián điệp cho họ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Giám đốc điều hành Epgheni cho biết, các cáo buộc phần mềm của Kaspersky được gián điệp Nga sử dụng để đánh cắp bí mật của Mỹ đã khiến doanh thu của công ty giảm tại Bắc Mỹ, tuy nhiên vẫn đang phát triển ở các nơi khác trên thế giới.

Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã cấm các cơ quan chính phủ sử dụng phần mềm Kaspersky Lab, sau khi đưa ra kết luận rằng phần mềm chống virus của công ty này đã được sử dụng để sao chép các tập tin nhạy cảm có chứa những bí mật của Mỹ.

Công ty Kaspersky và đích thân người sáng lập đã phủ nhận thẳng thừng cáo buộc cho rằng, họ từng hợp tác với tình báo Nga, mặc dù họ cũng nói rằng phần mềm của họ đã vô tình sao chép các tập tin có chứa dữ liệu của Mỹ.

'We never helped the espionage agencies, the Russians or any other nation,' says Kaspersky Lab founder and CEO Eugene Kaspersky. — Reuters
Ông Eugene Kaspersky - Nhà sáng lập và CEO Kaspersky Lab :"Chúng tôi không bao giờ hỗ trợ các cơ quan tình báo của Nga hay bất cứ nước nào hết". Ảnh Reuters

“Không bao giờ, không đời nào” - Nhà sáng lập công ty đã nói với các phóng viên trong khi diễn ra cuộc họp báo tại văn phòng ở London, khi được hỏi, có hay không việc các cơ quan tình báo Nga yêu cầu ông giúp làm gián điệp ở phương Tây. "Họ chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi theo dõi mọi người. Chưa bao giờ” - ông nói.

Kaspersky cho hay, công ty của ông đã phải đối mặt với "cơn sóng thần" do các thông tin từ truyền thông và tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ mà theo ông, là gây hiểu nhầm và vô căn cứ.

Kaspersky cũng cho biết,  doanh thu của công ty ông sẽ đạt mốc 700 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, doanh thu tại Bắc Mỹ sẽ thấp hơn khoảng từ 5% đến 8% trong năm tài chính này so với năm ngoái do những cáo buộc của Mỹ.

Doanh thu ở Châu Âu dự kiến sẽ không thay đổi trong khi doanh thu ở phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số.

Kaspersky đã theo học tại một trường của KGB ở Moscow, từng là kỹ sư làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Liên Xô (GRU) trước khi đứng ra thành lập công ty bảo mật máy tính của mình sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1991. Kaspersky đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc cho rằng ông đã có những việc làm hỗ trợ cho các đồng nghiệp gián điệp cũ của mình.

"Nếu chính phủ Nga đến công ty và yêu cầu tôi hoặc nhân viên của tôi (làm) bất cứ điều gì sai trái, tôi sẽ chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Nga" - Kaspersky nói bằng tiếng Anh. "Chúng tôi không bao giờ giúp các cơ quan gián điệp của Nga hoặc bất kỳ quốc gia nào khác".

Ông nói, các sản phẩm của Kaspersky Lab "được thiết kế để ngăn chặn các cuộc tấn công, nhận dạng mã độc hại, chứ không để theo dõi khách hàng của chúng tôi".

Kaspersky, 52 tuổi, cho biết, thời gian đầu, công ty của ông cảm thấy bối rối và bị sốc bởi các tin bài của giới truyền thông về cáo buộc có sự liên hệ giữa công ty của ông và tình báo Nga.

Ông cho biết,  phần mềm bảo mật Kaspersky đã vô tình hủy bỏ mã nguồn cho phần mềm độc hại trên máy tính của một người sử dụng phần mềm Kaspersky tại tiểu bang Maryland vào tháng 9/2014.

Khi một nhà nghiên cứu làm việc gần văn phòng của ông thông báo rằng mã này dường như gắn với các công cụ gián điệp các thông tin mật được cho là có kết nối với Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Kaspersky đã ngay lập tức ra lệnh xóa mẫu này.

Kaspersky cho biết, công ty của ông sẽ chiến đấu để bảo vệ danh tiếng của họ: "Chúng tôi sẽ chiến đấu" - ông nói.

Theo Reuters