Câu hỏi khó với Elizabeth Warren, Joe Biden và mọi ứng viên đảng Dân chủ: Chính sách ngoại giao đâu?

VietTimes -- Phần lớn cử tri Mỹ đều biết về những chính sách gây được tiếng vang mà các ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ đưa ra liên quan tới chăm sóc sức khỏe và đánh thuế thu nhập của người giàu. Vậy họ giải quyết các vấn đề nước ngoài như thế nào? Không ai biết được.
Bà Elizabeth Warren tập trung chủ yếu vào vấn đề chăm sóc sức khỏe và đánh thuế người giàu trong chiến dịch vận động tranh cử (Ảnh: National Interest)
Bà Elizabeth Warren tập trung chủ yếu vào vấn đề chăm sóc sức khỏe và đánh thuế người giàu trong chiến dịch vận động tranh cử (Ảnh: National Interest)

Cuộc đua giành quyền ứng viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 dường như không tập trung vào các vấn đề cấp bách của quốc gia mà một vị Tổng thống tương lai cần làm. Thay vào đó, chiến dịch vận động của họ chủ yếu tập trung vào một số vấn đề chính sách đáng chú ý nhát định – chăm sóc sức khỏe và đánh thuế tài sản người giàu.

Đương nhiên chăm sóc sức khỏe là vấn đề nhận được sự quan tâm của mọi người dân Mỹ, nhưng việc quyết định thực thi một chính sách là quyền lực của Quốc hội, chứ không phải thứ mà ứng viên Tổng thống có thể định được. Tổng thống chỉ có thể đề xuất một chính sách, quyền quyết định sau đó ở Quốc hội.

Thêm vào đó, những ứng viên như bà Warren hay nhiều ứng viên khác vốn đang là thành viên của Quốc hội hoàn toàn có thể đề xuất ngay các chính sách như vậy mà không cần chờ tới lúc vào Nhà Trắng.

Và dù cho một Tổng thống Mỹ có đề xuất chính sách thế nào, thì nó chắc chắn cũng phải bị sửa đổi rất nhiều trước khi được Quốc hội phê chuẩn, mặc dù đảng của Tổng thống có nắm thế đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Vấn đề duy nhất liên quan tới ngoại giao mà ứng viên Elizabeth Warren từng đưa ra chỉ là tuyên bố rằng bà sẽ đưa ra nhiều biện pháp để hàn gắn những rạn nứt trong ngoại giao mà chính quyền Tổng thống Trump đã gây ra. Có lẽ mọi ứng viên còn lại của đảng Dân chủ cũng nên dành ít thời gian để nói về chính sách ngoại giao của họ, thay vì quá chú ý vào chính sách chăm sóc sức khỏe.

Đây vẫn chỉ là một cuộc đua trong đảng, và giai đoạn này luôn đầy rẫy các cuộc tranh cãi chính trị tập trung vào các vấn đề mà giới cử tri cốt lõi của đảng Dân chủ quan tâm nhất. Mọi chuyện sẽ khác khi các ứng viên tiến vào tổng tuyển cử. Tuy nhiên, các quan điểm mà họ đưa ra trong vòng đua này hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới vòng tổng tuyển cử.

Thêm vào đó, cử tri của đảng Dân chủ cũng cần biết được sự khác biệt trong cách sử dụng quyền lực của các ứng viên khi họ khi trở thành Tổng thống, chứ không chỉ muốn xem xem ai là người đưa ra được chính sách lý tưởng nhất – mà rõ ràng là bản thân các ứng viên không thể áp dụng được cho nước Mỹ.

Chính sách ngoại giao là điều mà phía đảng Dân chủ nên tập trung và tranh luận nhiều hơn. Không chỉ bởi chính sách ngoại giao là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm nhất trong mọi chiến dịch vận động tranh cử, mà nó còn là lĩnh vực mà một Tổng thống Mỹ được quyền quyết định lớn nhất mà không chịu sự can thiệp của Quốc hội.

Thực tế này đã được phản ánh qua nhiều đời Tổng thống. Nhiều người bước sang nhiệm kỳ 2 bắt đầu tập trung hơn vào chính sách ngoại giao. Điều này là do sau khi thất bại trong việc thúc đẩy một số chính sách trong nước, họ nhận ra rằng chính sách ngoại giao mới là thứ mà họ có đủ quyền lực để quyết định, và tạo nên sự khác biệt, hay di sản của riêng mình.

Hiện tại, các ứng viên đảng Dân chủ có thể đề xuất một số chính sách ngoại giao đi theo hướng sửa chữa những “sai lầm” mà chính quyền Trump gây nên suốt 3 năm qua, bởi chắc chắn những thứ về ông Trump đều nhận được sự quan tâm của dư luận.

Ví dụ, họ có thể đưa ra một biện pháp sửa chữa tổn thất mà chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã gây ra: Từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ trang với Nga hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chính quyền mới sẽ phải giải quyết vấn đề về niềm tin nói chung, sau khi Mỹ ngoảnh mặt quay lưng với nhiều đồng minh, tiêu hủy một số thỏa thuận thương mại tự do, đẩy quan hệ với Iran lên tới mức căng thẳng chưa từng thấy… Một số chính sách ngoại giao dưới thời Trump đã khiến cho hoạt động ngoại giao của Mỹ trong tương lai ngày càng khó khăn hơn.

Cuộc xung đột Israel - Palestine ngày càng tăng nhiệt và khó mà tìm được biện pháp đảo ngược tình thế. Liệu chính quyền tiếp theo có thể đảo ngược tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà chính quyền Trump đã đưa ra? Hay có thể đảo ngược lại việc di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem? Rất khó. Mặt khác, quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu dưới thời ông Trump cũng trở nên lạnh nhạt hơn rất nhiều. Chính quyền mới sẽ phải làm gì để phục hồi các mối quan hệ này?

Có lẽ tổn thất về mặt ngoại giao của Mỹ lớn đến nỗi mà không có ứng viên nào dám hoặc đủ khả năng đưa ra các biện pháp phục hồi, bởi vậy họ lựa chọn chuyển hướng tập trung sang các vấn đề chính sách trong nước – ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Theo National Interest