Cảnh báo lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian gần đây, hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake đã dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Chiêu thức lừa đảo tinh vi này đã khiến một số nạn nhân mắc bẫy.

Kẻ xấu sử dụng công nghệ deepfake để lừa đảo (Ảnh: CAHN)
Kẻ xấu sử dụng công nghệ deepfake để lừa đảo (Ảnh: CAHN)

Deepfake là công nghệ giả mạo khuôn mặt và giọng nói. Có thể hiểu là tạo ra một nhân vật ảo có khuôn mặt và giọng nói giống như người thật. Trước đây công nghệ này chỉ xuất hiện trên phim ảnh, nhưng nhờ những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mà deepfake đã trở nên phổ biến hơn.

Tại Việt Nam, kẻ xấu đã sử dụng công nghệ này để lừa đảo. Đã có một số trường hợp thông báo với cơ quan chức năng về việc mình bị lừa mất một số tiền sau khi đàm thoại có hình ảnh với kẻ giả mạo bạn bè, người thân, hoặc cán bộ công an.

Thông thường, kẻ xấu sẽ hack và chiếm đoạt facebook của bạn bè nạn nhân, sau đó dùng ứng dụng messenger để nhắn tin hoặc gọi điện có hình ảnh deepfake để đánh lừa nạn nhân, yêu cầu họ "cho vay tiền gấp". Kẻ xấu cũng tạo một tài khoản có tên trùng với tên của người bị hack facebook để dễ dàng đánh lừa người chuyển tiền.

Mới đây nhất, chị Lê Thị Túy ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã bị kẻ xấu lừa đảo theo hình thức deepfake.

Theo lời kể của chị, vào giữa tháng 4/2024, chị nhận được một cuộc gọi có hình ảnh qua ứng dụng facebook messenger từ chị hàng xóm, nội dung là mượn gấp 5 triệu đồng vì có việc gia đình.

Khi nhìn thấy khuôn mặt của chị hàng xóm qua ứng dụng, và tài khoản ngân hàng cũng trùng tên, nên chị Túy đã không chút nghi ngờ mà chuyển khoản 5 triệu đồng cho kẻ xấu.

Chị Túy chỉ biết mình bị lừa khi tới chiều cùng ngày chị hàng xóm thông báo đã bị hack facebook và khuyến cáo mọi người không chuyển tiền nếu nhận được lời đề nghị cho vay, cho mượn tiền.

Cũng giống như trường hợp của chị Túy, chị Lê Thị Tây Nguyên ở huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị cũng nhận được cuộc gọi từ kẻ xấu giả mạo người chị ruột, nội dung muốn mượn 20 triệu đồng vì có việc gấp.

Chị Nguyên cho biết giọng nói, khuôn mặt y đúc người thật, và tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp cũng trùng hợp với người chị ruột, nhưng chị Nguyên đã phát hiện ra đây là cuộc gọi giả mạo nhờ cách xưng hô của đối tượng khi gọi chị là "em ơi", trong khi giữa 2 chị em thường gọi nhau bằng tên thân mật chứ không bao giờ xưng "chị, em".

Sau khi gọi điện lại cho chị gái để kiểm tra thông tin thì chị Nguyên đã xác định đó là cuộc gọi lừa đảo. May mắn là chị đã tỉnh táo, không chuyển tiền cho đối tượng.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) -Bộ Công an, hình thức tội phạm chiếm đoạt facebook rồi nhắn tin mượn tiền là rất phổ biến. Tuy nhiên trong thời gian gần đây hình thức lừa đảo này đã được "nâng cấp" bằng cách sử dụng video giả mạo khuôn mặt, giọng nói để khiến nạn nhân tin tưởng hơn.

A05 khuyến cáo người dân cần thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi hay tin nhắn từ ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền. Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển khoản nào, người dân cần xác minh lại bằng cách gọi điện thoại trực tiếp cho người cần mượn tiền. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người đối thoại qua ứng dụng mạng xã hội.

Các chuyên gia bảo mật cũng "mách nước" một chiêu để phát hiện đối tượng deepfake, đó là trong khi nói chuyện, có thể yêu cầu họ cười hoặc nháy mắt, hoặc thực hiện một cử chỉ nào đó. "Người giả" sẽ khó có thể thực hiện ngay lập tức những yêu cầu như vậy.

Theo thống kê của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam năm 2023 là 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP, trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.