Cảng Sài Gòn - Tổng cục Đường sắt (0-2): Ngày hội sân cỏ đầu tiên sau 1975

VietTimes — Tối 7/11/1976, sau 18 tháng kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bóng đá 2 miền Nam Bắc mới có cuộc giao hữu đầu tiên. Chủ nhà Cảng Sài Gòn được chỉ định đón tiếp Tổng cục Đường sắt (TCĐS).
Tối 7/11/1976 CSG đã gặp TCĐS trong 1 trận cầu lịch sử. Ảnh Tư liệu.
Tối 7/11/1976 CSG đã gặp TCĐS trong 1 trận cầu lịch sử. Ảnh Tư liệu.

Tháng 11-1976, TCĐS đang có chuyến tập huấn và du đấu tại 8 tỉnh của Trung Quốc thì nhận được lệnh cấp tốc về nước chuẩn bị “làm nhiệm vụ quan trọng”. Đó là vinh dự trở thành sứ giả đầu tiên của bóng đá miền Bắc vào miền Nam thi đấu.

Cả thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang (Cảng Sài Gòn) và thủ quân Phạm Văn Lắm (Hải Quan) cùng anh em cầu thủ miền Nam ra sân bay Tân Sơn Nhất đón thủ quân TCĐS Phạm Kỳ Thụy và các cầu thủ miền Bắc.

Trận cầu lịch sử

Các cầu thủ từ sân bay Gia Lâm bay vào sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy bay cánh quạt của Mỹ là chiến lợi phẩm ta thu được. TCĐS lúc ấy là đội mạnh của miền Bắc, chỉ sau tượng đài Thể công gặp Cảng Sài Gòn trên sân vận động Cộng Hòa vừa được đổi tên thành sân Thống Nhất.

Bàn thắng của trung phong TCĐS Mai Đức Chung. Ảnh tư liệu
Bàn thắng của trung phong TCĐS Mai Đức Chung. Ảnh tư liệu

Một trong những lý do để đội TCĐS được lựa chọn cho trận đấu lịch sử này vì lúc đó ngành đường sắt đang được gấp rút xây dựng tuyến đường sắt Thống Nhất. Trận đấu như một lời giới thiệu cho chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên đã chính thức khởi hành ngày vào 31/12/1976.

Cầm quân đội chủ nhà CSG là ông Nguyễn Thành Sự, huấn luyện viên đội tuyển miền Nam vô địch Giải quốc tế 1974. Lúc này CSG cũng như các đội bóng miền Nam vẫn chơi 4-2-4 theo trường phái Brasil vô địch thế giới năm 1970. Đứng trong khung thành là môn Lưu Kim Hoàng, bộ tứ hậu vệ huyền ảo là Văn Thuận, Tam Lang, Đình Thăng, Văn Quang, hàng tiền vệ Văn Thà, Văn Mười, hàng công gồm 4 cái tên Văn Ngọc, Văn Ngôn, Tư Lê, Văn Xinh.

CSG chơi thiên về kỹ thuật, ban bật nhỏ và áp sát tận khung thành đối phương mới dứt điểm ghi bàn. Những cái tên như trung vệ Tam Lang, Tấn Trung (Trung sói), Văn Thà, Kim Hoàng hay Văn Ngôn… luôn được chiếm sóng radio các buổi tường thuật. Đội khách khi ấy chơi theo trường phái bóng đá Cộng hòa dân chủ Đức chủ động đá bóng dài, hạn chế lối chơi trung lộ của chủ nhà.

Đội TCĐS tham dự trần cầu lịch sử cách đây gần 45 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đội TCĐS tham dự trần cầu lịch sử cách đây gần 45 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cầm quân TCĐS là chuyên gia lão làng Trần Duy Long, được đào tạo bài bản ở Đức. Đội TCĐS lúc đó có 22 VĐV trong đó có 20 cầu thủ, 2 thủ môn (Sinh, Hòa) và 2 thành biên BHL. Hai tiền đạo 1 cao, 1 thấp là Mai Đức Chung và Hoàng Gia. Hàng tiền vệ gồm những cầu thủ khá nổi tiếng là Lê Thụy Hải, Kỳ Thụy, Thế Thành, Minh Điểm trong đó tiền vệ cánh Minh Điểm có tốc độ không kém gì Tư “Lê” của chủ nhà.

Trong 4 hậu vệ Như Quang, Thế Vinh, Khắc Chính, Minh Phương thì trung vệ Khắc Chính (Chính “cối”) là người có lối đá khá lì lợm. Thực ra, về bản chất 2 sơ đồ chiến thuật có nhiều nét tương đồng. Nhưng các cầu thủ TCĐS đã biết cách phá lối đá của chủ nhà, triển khai thế trận khá tốt.

Hai đội đều thắng

Trận đấu được bắt đầu sau khi loa phóng thanh đang phát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Trọng tài Hồ Thiệu Quang được chỉ định điều khiển trận đấu này, dưới sự chứng kiến của khoảng 30.000 khán giả mặc dù công suất sân Thống Nhất chỉ 25.000 chỗ. Giá vé vào sân lần lượt 1,5 đồng, 1 đồng và 0,5 đồng trong khi đó lương của công nhân chỉ khoảng 60 đồng/tháng.

Đội Cảng Sài Gòn tham dự trận cầu lịch sử cách đây gần 45 năm. Ảnh: Tư liệu
Đội Cảng Sài Gòn tham dự trận cầu lịch sử cách đây gần 45 năm. Ảnh: Tư liệu

Trận đấu bắt đầu từ lúc 19 giờ 30 nhưng ngay từ 12 giờ trưa đã đông nghịt khán giả, rất khó khăn mới có được tấm vé vào sân. Thậm chí, người ta còn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên ở bên ngoài vì lực lượng an ninh đang dẹp trật tự do số lượng người quá đông còn tập trung bên ngoài. Trong sân khán giả tràn xuống cả đường piste, khán giả trèo lên thành tường, cột điện để xem. Hàng triệu người trong cả nước đều nín thở theo dõi từng nhịp đập của trận đấu qua radio.

Trung phong Mai Đức Chung là cầu thủ mở tỷ số từ pha tạt bóng từ bên phải của tiền vệ Lê Thụy Hải. Các hậu vệ CSG cứ tưởng phải đến sát đường biên thì phía đội khách mới tạt bóng, không ngờ sau chuyến tập huấn ở Trung quốc, các cầu thủ TCĐS đã tạt bóng sớm hơn. 

Cảng Sài Gòn (4-2-4): HLV trưởng Nguyễn Thành Sự

Lưu Kim Hoàng, Văn Quang, Tam Lang, Đình Thăng, Văn Trung, Văn Thà, Văn Mười, Văn Ngọc, Văn Ngôn, Tư Lê, Văn Xinh.

Tổng cục đường sắt (4-4-2): HLV trưởng Trần Duy Long

Trường Sinh, Như Quang, Thế Vinh, Khắc Chính, Minh Phương, Lê Thụy Hải, Kỳ Thụy, Thế Thành, Minh Điểm, Hoàng Gia, Mai Đức Chung.

Bàn thắng thứ hai do ông Lê Thụy Hải sút ngay ở vòng cùng 16,5m, cách khung thành thủ môn Lưu Kim Hoàng 20m. Cú sút vừa bất ngờ và căng của tiền vệ tài hoa khiến ông Phạm Huỳnh Tam Lang sau này còn nhắc mãi.

Suốt đời không quên

Trận đấu kết thúc với thắng lợi 2-0 cho đội khách TCĐS bằng hình ảnh đẹp cầu thủ hai đội ôm chầm lấy nhau sau tiếng còi chấm dứt trận đấu của trọng tài Hồ Thiệu Quang.
Trước trận đấu họ còn là những người xa lạ, nhưng sau 90 phút thi đấu, cầu thủ Bắc-Nam đã như những người một nhà.

Phải 21 năm trải qua cuộc chiến khốc liệt, chúng ta mới có được một ngày hội sân cỏ để lại nhiều cảm xúc cho hàng triệu khán giả nghe tường thuật qua radio và trực tiếp có mặt trên khán đài.

Một sự kiện lớn của lịch sử sân cỏ Việt Nam, đó là những giây phút mà những ai đã chứng kiến trận đấu ấy suốt đời đều không thể nào quên được!