Cần ngăn chặn nạn giả tranh danh họa thu lời “khủng”

VietTimes – Ngay trước thời điểm khai mạc các phiên đấu giá ngày 5 và 6/10, gia đình họa sĩ Nam Sơn vừa phát hiện thêm tranh nghi là giả, đưa vào đấu giá kiếm lời.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (bên phải) cạnh bức tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" của họa sĩ Nam Sơn trưng bày tại Pháp
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (bên phải) cạnh bức tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" của họa sĩ Nam Sơn trưng bày tại Pháp

Dồn dập quá nhiều tranh danh họa bị làm giả

Rất nhiều ý kiến của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật đã lên tiếng xung quanh việc những bức tranh giả danh họa đã nhục mạ cả nền mỹ thuật Việt. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục phát hiện thêm hai bức tranh đang rao bán trên Sotheby’s trong phiên đấu giá “Modern and Contemporary Southeast Asian Art” ngày mai 6/10, nghi là tranh giả của họa sĩ Nam Sơn.

Đó là bức “Pagoda on Lake”, đề tên họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, rao bán ở lot 292, với mức giá đề xuất từ 40.000 đến 60.000 đô la Hong Kong.

Cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, từ Paris (Pháp) bức xúc lên tiếng: “Đây là bức tranh của họa sĩ Nam Sơn bị chép lại, nhưng chép đảo ngược trái phải. Chắc chắn đây là một trường hợp “nhái tranh” đã tính toán trước, cố tình đảo ngược bức tranh. Bức tranh “nhái” màu sắc vụng, nét bút thô, không giống với bút pháp của cụ”.

Bức “Pagoda on Lake” mà Sotheby’s đang rao bán vào phiên đấu giá ngày mai 6/10
Bức “Pagoda on Lake” mà Sotheby’s đang rao bán vào phiên đấu giá ngày mai 6/10
Bức “Chùa Một cột” do gia đình họa sĩ Nam Sơn đang lưu giữ  (ảnh chụp ngày 04/10/2019)
Bức “Chùa Một cột” do gia đình họa sĩ Nam Sơn đang lưu giữ (ảnh chụp ngày 04/10/2019)

“Bức tranh thật có chữ ký của cụ Nam Sơn rất linh hoạt, khó bắt chước và cụ vừa ký vừa đóng mộc lên đó, trong khi tranh “nhái” này chỉ có cái mộc nhỏ ai cũng làm giả được. Tranh thật cụ vẽ “Chùa Một cột” hiện đang treo trong gia đình một trong những người con gái của họa sĩ Nam Sơn, còn bức “nhái” này lại ghi là “Pagoda on Lake” (Tạm dịch: Chùa trên mặt hồ) lỗi quá nặng, chứng tỏ người thẩm định tranh không hiểu văn hóa Việt Nam” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cung cấp.

“Trong cuộc đấu giá ngày mai, có một bức khác của cụ Nam Sơn, dưới tựa là “Phong cảnh Huế” được bán ở lot 266 với mức giá đề xuất từ 40.000 đến 60.000 đô la Hong Kong, gia đình chúng tôi cũng cảm thấy rất nghi ngờ, vì tranh gốc hiện vẫn đang thuộc gia đình họa sĩ Nam Sơn lưu giữ. Tuy nhiên, hai bức “Phong cảnh Huế” khá giống nhau nên cần phải xem tận mắt để thẩm định kỹ hơn mới có thể đưa ra kết luận.  Song, điều chúng tôi thắc mắc nhiều nhất là tranh này cho đến bây giờ vẫn thuộc sở hữu của gia đình họa sĩ Nam Sơn, nếu muốn bán phải có sự đồng ý của tất cả chị em trong nhà, hiện nay vẫn còn sống” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi khẳng định.

Trước đó, dư luận trong nước đã ồn ào vì bức “Lá thư” đề tên danh họa Tô Ngọc Vân, bức “Hai cô gái” đề tên Trần Văn Cẩn. Sau khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, Sotheby’s đã hạ hai bức tranh nói trên xuống khỏi trang online.

Tuy nhiên, sau đó, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo bức “Dân quê Việt” đề tên Nguyễn Sáng là cực kỳ phi lý, thậm chí "nhục mạ cả nền mỹ thuật Việt" nếu để cho thế giới nghĩ rằng tranh danh họa Đông Dương có chất lượng tồi tệ đến thế.

Mới nhất, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long chỉ ra trình độ thợ học việc trong bức tranh sơn mài phong cảnh đề tên Nguyễn Gia Trí, hoàn toàn không có phẩm chất của Nguyễn Gia Trí và không thể gắn tên danh họa lên đó, như nhà đấu giá Sotheby’s đang quảng cáo.

Bức tranh lụa “Mẫu tử” đề tên Lê Phổ bị nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long chỉ rõ chi tiết em bé có hai ngón tay cái, sai trầm trọng về giải phẫu. Còn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng phân tích chặt chẽ cho rằng không bàn tay nào có thể đặt ngửa như thế, ngón cái và ngón út đã lộn chỗ.

Làm giả tranh danh họa quá dễ thu lời khủng

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cũng nhấn mạnh: “Thực chất, việc làm tranh giả và buôn bán tranh giả là hành vi lừa đảo và trộm cắp. Dĩ nhiên, tệ nạn trộm cắp và lừa đảo trong một quốc gia là nỗi nhục. Ở các nước văn minh, những vụ làm tranh giả, buôn bán tranh giả bị pháp luật xử nghiêm, những kẻ làm tranh giả phải ngồi tù khi bị phát hiện”.

“Gia đình chúng tôi rất sốc, buồn và giận. Những kẻ làm giả tranh không chỉ mắc tội lừa đảo mà còn làm mất thể diện của tranh Việt. Nói là làm nhục cả một nền mỹ thuật Việt là hoàn toàn chính xác” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi buồn bã nói.

Bức “Phong cảnh Huế trên trang Sotheby’s
Bức “Phong cảnh Huế trên trang Sotheby’s sẽ bán ra ngày mai 6/10
Bức tranh “Phong cảnh Huế” do gia đình họa sĩ Nam Sơn đang lưu giữ

Bức tranh “Phong cảnh Huế” do gia đình họa sĩ Nam Sơn đang lưu giữ (lưu ý, bên phải bị rách, khuyết một mảng nhỏ).

Quá nhiều đường dây sản xuất tranh “nhái”, tranh giả, tranh sao chép trái phép của các họa sĩ Việt, đặc biệt là các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, tự do mang ra nước ngoài nâng giá bán kiếm lời “khủng”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền trong cuộc trao đổi với VietTimes nhắc đi nhắc lại về chuyện trách nhiệm của các cơ quan quản lý mỹ thuật trong việc cần ngăn chặn nạn tranh giả, tranh “nhái” bằng cả phương tiện kỹ thuật, vật chất và con người. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng rất cần thành lập các Hội đồng nghệ thuật quốc gia để có thể bảo vệ cho gia tài trí tuệ và nghệ thuật Việt.