“Cần một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân đóng vai trò trụ cột”

VietTimes – Đó là khuyến nghị của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Bà Ninh Thị Ty -  Chủ tịch CTCP May Hồ Gươm. (Ảnh: Doãn Trường)
Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch CTCP May Hồ Gươm. (Ảnh: Doãn Trường)

"Phải tạo lập một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột; thiết kế một hệ thống chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân"- TS. Trần Đình Thiên đã phát biểu như vậy tại Hội Thảo Khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội, Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 13/04/2017.

"Kiểm tra 100 "ông" thì cả 100 "ông" đều có lỗi"

Thật bất ngờ khi quan điểm trên lại được đưa ra bởi một doanh nhân. Cụ thể là bà Ninh Thị Ty – Chủ tịch CTCP May Hồ Gươm.

Nữ doanh nhân có thâm niên trong lĩnh vực dệt may, với đầy đủ trải nghiệm từ doanh nghiệp nhà nước tới doanh nghiệp tư nhân, đã phát biểu tại Hội thảo: “Cơ quan pháp luật động tới doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó cũng sẽ có sai phạm. Tôi khẳng định là kiểm tra 100 "ông" thì cả 100 "ông" có lỗi. Quản trị tốt đến đâu thì nếu muốn vẫn có thể tìm ra những điểm vi phạm, không nhiều thì ít”.

Đồng thời, bà Ty cũng lý giải: “Bởi cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động quá nhiều bất cập. Chi phí ngoài, chi phí không chính thức quá lớn”.

Phải nói ra điều này, theo bà Ty, cá nhân bà và cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy rất đau đớn.

Chủ tịch CTCP May Hồ Gươm dẫn lại nhận định mà TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa nêu ra trước đó ít phút, rằng với môi trường kinh doanh như hiện tại thì doanh nghiệp Việt Nam không thể lớn và cũng không dám lớn.

Không thể lớn và không dám lớn

“Có ông bắt đầu lớn lên thì không thể lớn hơn được nữa. Như câu chuyện vừa rồi ở TH True Milk, họ muốn mở rộng và phát triển các trang trại bò sữa trong nước nhưng họ không thể mở rộng được nữa và phải chạy sang Nga”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu. “Còn những doanh nghiệp có thể lớn lên được thì họ lại thấy một nguy cơ rất lớn. Càng lớn càng rủi ro. Nên có khi không dám lớn”.

Theo ông Cung, hiện tượng trên phản ánh hạn chế của cả Nhà nước và cả thị trường. Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế cộng hưởng giữa nhà nước và thị trường.

Phân tích sâu hơn, ông Cung và nhiều chuyên gia tham dự hội thảo đều đồng tình, rằng căn nguyên đến từ mô hình tổ chức nền kinh tế. Trong đó, điểm yếu nhất là tổ chức phân bố nguồn lực. “Cơ chế xin – cho vẫn là phổ biến và tràn khắp nơi. Chúng ta nhìn thấy xem có lĩnh vực nào là không xin – cho. Mà khi vẫn còn xin – cho trong phân bố nguồn lực thì anh muốn phát triển lên, anh sẽ không thể tiếp cận được nguồn lực. Nếu anh tiếp cận được nguồn lực thì anh cũng phải chia sẻ rất nhiều – rủi ro rất lắm. Cho nên cuối cùng, anh cũng không làm được”.

“Cần một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân đóng vai trò trụ cột” ảnh 1GS. TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương điều hành hội thảo (Ảnh: Doãn Trường)

Vị chuyên gia kỳ cựu của CIEM khẳng định, nếu vẫn phân bố nguồn lực theo kiểu xin – cho thì doanh nghiệp sẽ không thể tích tụ nguồn lực theo cơ chế thị trường. “Cho nên phải thay cơ chế xin – cho bằng cơ chế thị trường. Mà muốn bỏ cơ chế xin – cho này thì Nhà nước phải thay đổi. Muốn phát triển không còn cách nào khác. Bỏ xin – cho, đồng thời phát triển cơ chế thị trường để thay thế nó”.

Bên cạnh đó, TS. Cung kiến nghị Nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh hoạt động cải cách tư pháp. Trong đó, cần chú trọng tăng quyền khởi kiện cho doanh nghiệp, tăng thẩm quyền của tòa án. “Không thể để khi xảy ra tranh chấp thì lại nghĩ đến mình quen ai”.

“Thị trường, thị trường hơn nữa; Tự do, tự do hơn nữa; An toàn, an toàn hơn nữa”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh về định hướng phát triển cho nền kinh tế và chú trọng vào hai chữ “an toàn”.

Từ trải nghiệm của một người làm doanh nghiệp, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng cũng nhấn mạnh đến yếu tố “an toàn”.

Theo ông Thắng, môi trường kinh doanh hiện tại không cho doanh nghiệp cảm giác an toàn. Ví dụ, có những tranh chấp mà doanh nghiệp đã phải vất vả theo đuổi hàng năm, nhiều năm trời để khởi kiện, nhưng khi tòa ra phán quyết thì không bên nào thực thi. “Tòa án ra một quyết định nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam nhưng không ai thực hiện”, ông Thắng ngao ngán.

“Doanh nghiệp không mong những hỗ trợ hữu hình từ Nhà nước như giảm thuế hay hỗ trợ lãi suất. Bởi những hỗ trợ hữu hình thì đâu phải doanh nghiệp nào cũng được, đều phải xét duyệt, xin – cho. Doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ bằng cách tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn – chỉ cần 2 điều này thôi”, ông Thắng nói.

Cũng nói về chuyện "an toàn", ông Võ Thành Đăng - Ủy viên thường trực Ban Chấp hành, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) lại kể về những trải nghiệm của mình khi thành lập và điều hành doanh nghiệp tại Singapore: Các doanh nghiệp thành lập ở Singapore rất an toàn. Còn việc mở doanh nghiệp thì chỉ mất 5 phút, và trong tài khoản chỉ cần 100 đô-la.

"Làm ăn không có lo sợ gì hết, làm sai thì có người chỉ dẫn cho đúng. Chủ tâm làm sai và tái phạm thì mới bị phạt. Môi trường kinh doanh rất an tâm", ông Đăng chia sẻ.

“Chính quyền nào thì doanh nghiệp nấy”

Nhận diện về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói nhiều về “lực lượng”, yếu tố mà theo ông là điều kiện thành công của mọi cuộc cách mạng.

“Việt Nam có doanh nghiệp nhưng không có lực lượng doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng lực lượng doanh nghiệp và sức mạnh theo chuỗi là không có”, ông Thiên nói.

Vị chuyên gia kinh tế nhắc lại một bất cập lâu nay trong mô hình tăng trưởng, là sự phụ thuộc quá lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI. “Không có lực lượng doanh nghiệp thì không lớn được. Không có nước nào phát triển mà dựa vào doanh nghiệp nước ngoài vào doanh nghiệp FDI cả”.

Phân tích căn nguyên của vấn đề, ông Thiên cho rằng, Việt Nam không có lực lượng doanh nghiệp vì không tạo được thị trường cạnh tranh. “Cách thiết kế nền kinh tế của nước ta đang kìm hãm cạnh tranh và triệt tiêu cạnh tranh.”

“Cần một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân đóng vai trò trụ cột” ảnh 2PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Trường)

TS. Trần Đình Thiên dẫn lại quan điểm mà hầu như ý kiến phát biểu nào tại hội thảo cũng đề cập. Đó là phải coi khu vực kinh tế tư nhân là nền tảng, là động lực phát triển của nền kinh tế. “Chỉ cần nói là nền tảng thôi chứ không cần thêm gì khác. Nền kinh tế thị trường phải là nền kinh tế tư nhân”.

Theo ông Thiên, trước đây, Việt Nam có học hỏi kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là phát triển dựa trên các trụ cột là các tập đoàn kinh tế. “Nhưng chúng ta học vội quá. Chiến lược phát triển của họ là lấy các tập đoàn kinh tế tư nhân làm trụ cột. Ta quên mất hai chữ tư nhân, và xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị phải tạo lập một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột; Thiết kế một hệ thống chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch và tinh thần phục vụ của bộ máy chính quyền. “Có một doanh nghiệp Nhật Bản mở tại Việt Nam, họ hỏi tôi là ở đây có công ty nào cung cấp dịch vụ tiếp khách, tiếp các cơ quan quản lý không. Họ than phiền rằng, hàng ngày phải tiếp nhiều cơ quan quá, không còn sức đâu mà tập trung vào sản xuất kinh doanh”.

Theo ông Đoàn, muốn kinh tế phát triển, muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh thì phải tấn công xóa bỏ tệ nạn nhũng nhiễu, đơn giản hóa, trực tuyến hóa thủ tục hành chính. Đồng quan điểm với ý kiến của nhiều doanh nhân khác, ông Đoàn nói một cách rất thẳng thắn, rằng doanh nghiệp không cần Nhà nước hỗ trợ gì nhiều, không phải là giảm thuế 10% hay 15%, điều quan trọng hơn là khắc phục tình trạng “hành là chính” ở nhiều cơ quan.

“Không có bộ máy hành chính có năng lực và phục vụ tận tâm thì nền kinh tế và các doanh nghiệp không khá được. Chính quyền nào thì doanh nghiệp nấy”, vị doanh nhân chia sẻ.

Còn theo bà Ninh Thị Ty: “Về chuyện doanh nghiệp không thể lớn được, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam cũng có lỗi. Chúng tôi chưa đủ mạnh, chưa học hỏi, chưa trang bị đầy đủ kiến thức. Nhưng tôi nghĩ phần lỗi của chúng tôi có thể dưới 50%. Còn phần lỗi của cơ chế, của chính sách nhà nước là lớn hơn 50%. Nếu chính sách không thay đổi, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển”.

Đòi hỏi cải cách đồng bộ hệ thống quản trị quốc gia

Tổng kết thảo luận, GS. TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tọa Hội thảo đánh giá cao ý kiến phát biểu của các chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. “Thật ra hội thảo hôm nay không phải là hội thảo bàn về chuyện gì mới. Cả năm qua đã có không biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo về chủ đề như thế này và tương tự. Bản thân tôi cũng đã tham dự và nghe rất nhiều. Nhưng phải nói rằng, hội thảo hôm nay có chất lượng rất cao”.

Theo GS. Phú, những ý kiến của các chuyên gia nêu ra ở một tầm cao, có tính đúc kết, chắt lọc, bổ sung và khái quát sâu sắc. Ý kiến của các doanh nghiệp cũng là chắt lọc, có ý căn cốt. Toát lên cái cụ thể và đi vào cái cốt lõi nhất. Doanh nghiệp cần gì? Không phải là một, hai, ba, bốn, hay mấy đồng hỗ trợ. Mà cần cái lớn cần cái căn cơ hơn nhiều.

“Qua hội thảo, chúng ta nhận diện sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn vai trò vị thế, đóng góp và hạn chế của kinh tế tư nhân. Nhấn mạnh không chỉ là động lực quan trọng nhất, trụ cột, nòng cốt. Mà nói như anh Thiên (TS Trần Đình Thiên- NV), nó là nền tảng. Nó vốn là thế! Vai trò đó là vai trò khách quan tự nhiên của kinh tế thị trường”, GS. Phú nhấn mạnh.

Ghi nhận đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời thẳng thắn chỉ ra hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đi sâu hơn vào vấn đề mà doanh nhân Ninh Thị Ty đã đề cập. “Chị Ty nói rất hay! Đúng là còn nhiều cái yếu lắm, thôi thì doanh nghiệp nhận 40%, Nhà nước nhận 60%. Phân vai chủ khách như thế cũng là rất rõ ràng”.

Theo GS. Phùng Hữu Phú, hội thảo đã đề xuất các giải pháp đồng bộ, căn cơ để mà giải quyết những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân đúng với vị thế cần có của nó, đúng với tiềm năng mà nó còn có. “Các vị đại biểu nhìn nhận từ góc độ lý luận đến góc độ thực tiễn, đề xuất những giải pháp rất căn cơ. Câu chuyện cụ thể này gắn liền với với vấn đề nhận thức và giải quyết cho đúng quan hệ Nhà nước và thị trường.”

“Nó liên quan đến vấn đề nhận thức cho đúng vai trò, vị trí khách quan, có tính tất yếu của nền kinh tế thị trường. Không phải là nhìn qua lăng kính về mặt chính trị xã hội, mà hãy nhìn nó một cách rất tự nhiên theo quy luật khách quan. Nó đòi hỏi phải đổi mới và cải cách đồng bộ cả hệ thống quản trị quốc gia, liên quan đến cả lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Nếu tất cả không chuyển thì không giải quyết được, chỉ là giải quyết ngọn chứ không phải giải quyết gốc”, Chủ tọa hội thảo tổng kết./.