
Căn hộ giá nửa tỷ đồng mỗi m2
Mới đây, Masterise Homes giới thiệu tòa Lake thuộc khu căn hộ hàng hiệu Marriott Residences Special Edition trong dự án Grand Marina, phường Sài Gòn (quận 1 cũ).
Theo bảng giá do chủ đầu tư công bố, căn studio diện tích 52,62 m2 có giá 24 - 25,5 tỷ đồng; căn hộ 1 phòng ngủ diện tích từ 54-64 m2 có giá 29-31 tỷ đồng; căn hộ hai phòng ngủ rộng 67-88 m2 được chào bán từ 33-50 tỷ đồng. Như vậy, các căn hộ có mức giá trung bình dao động 450-560 triệu đồng/m2, gồm thuế phí.
Chủ đầu tư cho biết tòa Lake trong dự án Grand Marina nằm tại khu trung tâm TP.HCM và được quản lý theo tiêu chuẩn của thương hiệu JW Marriott. Tòa căn hộ này đã hoàn thiện nội thất, sẵn sàng bàn giao cho người mua vào ở ngay.
Anh Trần Bảo - môi giới bất động sản tại TP.HCM đánh giá với giá rumor (dự kiến) khoảng 450 triệu/m2, mức giá căn hộ tòa Lake cũng như những tòa khác thuộc dự án Grand Marina Saigon không có sự khác biệt lớn so với mức giá đưa ra vài năm trước. Giá bán các dự án căn hộ hạng sang quanh khu vực này đều vượt mốc 400 triệu đồng/m2.
Theo môi giới này, dự án nằm ngay lõi trung tâm quận 1 cũ, sở hữu vị trí hiếm có, thiết kế nội thất theo chuẩn siêu sang, vận hành bởi thương hiệu quản lý khách sạn 5 sao và hướng tới giới siêu giàu. Đây là điều dẫn đến sự khác biệt đặc biệt ở giá sản phẩm.

Đây không phải lần đầu Masterise Homes đưa ra mức giá gần nửa tỷ đồng/m2. Trước đó, tại dự án The Grand Hanoi (22-24 Hàng Bài, Hà Nội), doanh nghiệp này từng gây “sốc” với mức giá gần 100 tỷ đồng/căn. Vào thời điểm tháng 7/2021, căn hộ tại dự án The Grand HaNoi được quảng cáo có giá bán lên tới 25.000 - 30.000 USD/m2 (tương đương khoảng hơn 500 - 600 triệu đồng/m2).
Thực tế, vài năm trở lại đây, giá căn hộ siêu sang tại một số thành phố lớn, đặc biệt ở TP.HCM, bán lên tới nửa tỷ đồng/m2 không còn quá lạ lẫm với thị trường. Khảo sát tại thị trường TP.HCM, dự án The OpusK thuộc The Metropole Thủ Thiêm có mức giá 300 - 450 triệu đồng/m2; Lancaster Legacy, The River Thủ Thiêm và Thủ Thiêm Zeit River tại TP.HCM cũng có mức giá trung bình từ 250 - 300 triệu đồng/m2.
Tại thị trường căn hộ Hà Nội, một số dự án mới có mức giá xấp xỉ 200 triệu đồng/m2, có thể kể đến như: Noble Crystal Tây Hồ đang được chào với mức 150 - 270 triệu đồng/m2; Heritage West Lake có giá rao bán các căn hộ 82 - 288 triệu đồng/m2; The Nelson bán 135-175 triệu đồng/m2…
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận với nhóm khách hàng siêu giàu - những người sẵn sàng chi trăm tỷ mua căn hộ, biệt thự hay tranh nghệ thuật chỉ là một “tác phẩm” đầu tư và sưu tầm.
“Chúng ta không thể lấy chuẩn mực của thị trường đại chúng để đánh giá nhóm siêu sang. Nhưng điều cần lưu ý, nếu những sản phẩm giá ‘trên trời’ xuất hiện tràn lan, sẽ dẫn đến lệch pha cung - cầu và tạo hệ lụy cho toàn thị trường”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Mua nhà hàng hiệu: Cẩn trọng với bẫy “vỏ sang, ruột rỗng”
Theo báo cáo The Wealth Report 2025 của Knight Frank, Việt Nam hiện có 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD, chiếm 0,2% tổng số triệu phú trên toàn thế giới.
Knight Frank cho hay một cá nhân siêu giàu là người sở hữu khối tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên. Đơn vị này dự đoán đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 cá nhân siêu giàu, tăng 30% so với năm 2023.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các dự án bất động sản hàng hiệu hiện nay chủ yếu phục vụ cho tầng lớp rất giàu, siêu giàu trong nước và người nước ngoài. Nhóm khách hàng mới hình thành trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, tạo ra một lớp “tinh hoa tiêu dùng” sẵn sàng chi tiêu xa xỉ.
“Bất động sản hàng hiệu là sản phẩm được phát triển với sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và các thương hiệu quản lý bất động sản toàn cầu, có nguồn gốc từ New York cách đây gần 100 năm”, ông Châu cho hay.
Theo ông Châu, trên thị trường hiện nay tồn tại hai loại. Một là sản phẩm “chính chủ” do thương hiệu quốc tế phát triển và quản lý trực tiếp. Hai là sản phẩm liên kết do doanh nghiệp nội địa phát triển nhưng hợp tác “mượn” thương hiệu quốc tế để tăng giá trị sản phẩm.
Ông Châu cho rằng có một thực tế cần nhìn nhận không phải doanh nghiệp nào cũng đủ thực lực phát triển sản phẩm “hàng hiệu chính danh”. Một số chủ đầu tư mới thành lập vẫn có thể tung ra dự án gắn mác “hàng hiệu”, thông qua hợp đồng hợp tác thương hiệu.
“Đây là hình thức ‘đứng trên vai người khổng lồ’. Doanh nghiệp nội địa ‘mượn’ uy tín quốc tế để nâng tầm sản phẩm, song điều đó cũng đi kèm với những yêu cầu khắt khe về đầu tư, trang thiết bị, dịch vụ quản lý và vận hành đúng chuẩn quốc tế”, ông nói.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: khách hàng bỏ hàng chục tỷ đồng để sở hữu một căn hộ mang thương hiệu quốc tế thì có thực sự nhận được giá trị xứng đáng? Hay chỉ là chi phí “mua danh” được tính hết vào giá bán?
Lãnh đạo HoREA đã đưa ra loạt cảnh báo với người mua. Thứ nhất, chi phí “mượn” thương hiệu quốc tế không hề nhỏ và chắc chắn được “tính đủ” vào giá bán căn hộ - từ chi phí quản lý, quảng bá trong và ngoài nước, cho tới chi phí duy trì tiêu chuẩn vận hành. Nghĩa là người mua sẽ phải trả tiền cho cả yếu tố thương hiệu, chứ không chỉ là giá trị xây dựng và vị trí.
Thứ hai, thời hạn được sử dụng tên thương hiệu không phải lúc nào cũng là vĩnh viễn. Nếu thương hiệu là “chính chủ” thì tên gọi có thể ổn định lâu dài. Nhưng với những dự án hợp tác, thời hạn thương hiệu phụ thuộc vào hợp đồng, thường là 10 hoặc 15 năm. Sau thời hạn đó, việc tiếp tục mang “mác hàng hiệu” là không chắc chắn.
Thứ ba, phương thức bán hàng thường đi kèm chiến thuật marketing cao cấp như “ra hàng nhỏ giọt”, quảng bá đậm để tạo cảm giác khan hiếm và nâng tầm sản phẩm. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng “giá ảo”, tạo cảm giác sản phẩm quá đắt đỏ so với giá trị thật.
Thứ tư, tính thanh khoản của bất động sản hàng hiệu không cao như nhà đầu tư kỳ vọng. Phân khúc này rất kén người mua và thuê, chỉ phù hợp với giới thực sự có tiềm lực tài chính. Việc mua để cho thuê lại hoặc lướt sóng có thể gặp rủi ro nếu thị trường chững lại.
Trước thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị người mua cần tìm hiểu kỹ về dự án từ hồ sơ pháp lý, hợp đồng mua bán, thời hạn hợp tác thương hiệu đến khả năng duy trì dịch vụ. Đồng thời, ông cũng lưu ý mọi người cần tỉnh táo phân biệt giữa giá trị thật và giá trị thương hiệu để không bị “lóa mắt” bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài.
Các chủ đầu tư cũng cần minh bạch trong việc công bố thông tin, làm rõ hợp đồng, đặc biệt là nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ đúng chuẩn “hàng hiệu”, tránh làm xói mòn niềm tin của khách hàng.

TP.HCM thành siêu đô thị, khu vực nào sẽ đón sóng đầu tư mới?

Đóng hàng nghìn tỷ tiền sử dụng đất, biên lợi nhuận của các “ông lớn” sẽ ra sao?
