Ngày 25/8 vừa qua tại Phnom Penh đã diễn ra cuộc hội thảo “ CMCN 4.0, nấc kế tiếp của ngành chế tạo” với sự tham gia của giám đốc điều hành nhiều hãng công nghiệp chế tạo khổng lồ của Đức.
Tại hội thảo, các vị khách đã khái quát về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, quá trình chế tạo sẽ diễn ra tại các ‘nhà máy thông minh’ vói các robot và computer kết nối không dân với nhau, thực hiện các công đoạn sản xuất vật lý mà chỉ cần rất ít sự vận hành của con người, vì thế sẽ không để lại nhiều cơ hội việc làm cho các công nhân không có tay nghề.
Ông Markus Lorenzini, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Siemens Thailand, cho biết "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã bắt đầu tăng tốc và sẽ mang lại sự linh hoạt và hiệu quả cho ngành công nghiệp đồng thời cũng làm gia tăng nhu cầu lao động lành nghề.
"Việc số hóa nền công nghiệp không phải là một lựa chọn. Nó đã diễn ra rồi ", ông khẳng định điều này với minh họa bằng những đoạn phim về những chiếc máy chạy tự động mà không có người điều khiển trong các nhà xưởng hiện tại ở Đức.
Ông nói, nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đều dựa vào nguồn lao động rẻ, thì trong cuộc cách mạng 4.0 với lực lượng lao động chủ yếu là các robot được kết nối bằng internet, xu hướng của các nền kinh tế phát triển đầu tư vào các nước có thu nhập thấp như Campuchia thì nguồn lao động rẻ sẽ trở nên lỗi thời ".
Ông Nikolay Kurnosov, Tổng giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam, nhấn mạnh rằng lao động của con người vẫn cần thiết ngay cả khi các nhà máy chuyển sang sử dụng robot điều khiển từ xa, nhưng sẽ không có nhu cầu về lực lượng lao động không có tay nghề.
"Con người là những yếu tố then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp mới", ông nói. "Chúng tôi không cần công việc đơn giản nữa. Chúng tôi cần công nhân lành nghề".
Ông nói, hãng Bosch dự kiến trong tương lai sẽ có thêm nhiều việc làm trong ngành chế tạo so với hiện tại, nhưng các vị trí này sẽ đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật chứ không phải là đôi bàn tay nhanh nhẹn.
Các nhà kinh tế dự báo, cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới sẽ là một thách thức đối với Campuchia, vốn đã đặt mình như một điểm đến sản xuất chi phí thấp.
Ông Mey Kalyan, cố vấn cao cấp của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao của Campuchia, cho biết, Campuchia sẽ phải vật lộn để tìm chỗ đứng một khi ngành công nghiệp ngày càng dựa vào máy tính và robot.
"Sản xuất dựa vào máy móc sẽ tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội... Và tất nhiên tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với các nước nghèo bởi vì họ chỉ có các phương tiện và nguồn lực hạn chế để đáp ứng ", ông nói.
Ông cảnh báo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống ở các nước này và ông lo rằng, " khoảng cách giàu nghèo trên thế giới sẽ ngày càng nới rộng".
Ông David Van, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Deewee Management Consultants, cho biết trong khi dân số trẻ trung của Campuchia vẫn là một lực lượng kinh tế tiềm năng, nhưng cần phải đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động lành nghề ngày càng tăng của ngành công nghiệp.
"Đào tạo nghề bị thiếu hụt nghiêm trọng tại Campuchia, mặc dù đã có một số khoản trợ cấp lớn từ các nhà tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực này", ông nói.
"Chúng tôi đứng trước thách thức là phải đào tạo lực lượng lao động trẻ đông đảo của mình, vì đó là ưu thế của chúng tôi. Như các vị đều biết, hơn 50% dân số của Campuchia ở độ tuổi dưới 30".