Campuchia phủ nhận phá bỏ cơ sở của Mỹ ở căn cứ hải quân Ream để đón Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ Campuchia hôm thứ Hai (5/10) đã chính thức phủ nhận việc họ phá dỡ một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan là một tín hiệu cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này.
Ảnh vệ tinh chụp căn cứ hải quân Ream của Campuchia (Ảnh: VOA)
Ảnh vệ tinh chụp căn cứ hải quân Ream của Campuchia (Ảnh: VOA)

Phía Campuchia tuyên bố rằng việc phá dỡ cơ sở này chỉ là một kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng. Đây là phản hồi của chính phủ Campuchia đối với các bản tin của truyền thông quốc tế gần đây nêu lên những lo ngại mới về các kế hoạch đáng ngờ của Trung Quốc tại căn cứ Hải quân Ream.

Ủy ban An toàn Hàng hải Quốc gia Campuchia cho biết trong một tuyên bố hôm 5/10, Sở chỉ huy chiến thuật của họ là một kiến trúc tạm thời và kế hoạch di dời nó đã được bắt đầu từ cuối năm 2017. Họ gọi cơ sở này là “đơn vị chịu trách nhiệm thực thi pháp luật nhiều cơ quan” hợp tác với Mỹ và Australia.

Ủy ban này cho rằng cơ sở hiện tại quá nhỏ, thiếu phương tiện để tàu cập cảng, năng lực đào tạo và các hoạt động khác hạn chế. Do đó, một cơ sở lớn hơn đang được thành lập ở địa điểm mới; các chức năng hoặc mối quan hệ với các đối tác nước ngoài đều không thay đổi. Chính phủ Campuchia thông báo rằng Sở chỉ huy chiến thuật Rem bị phá dỡ sẽ được xây dựng trên đảo Koh Preap gần cảng Sihanoukville.

Trung Quốc hiện là đồng minh chính trị thân cận nhất và đã cung cấp viện trợ và đầu tư đáng kể cho Campuchia.

Tháng 6 năm nay Thủ tướng Hun Sen cho biết Trung Quốc không có đặc quyền sử dụng căn cứ này. Ông cũng nói Campuchia hoan nghênh tàu chiến của tất cả các nước kể cả Mỹ cập cảng tại đây. Ông đồng thời chỉ rõ, hiến pháp Campuchia không cho phép bất kỳ quốc gia nước ngoài nào thiết lập căn cứ quân sự trên đất Campuchia.

Vào năm ngoái, tờ Wall Street Journal đưa tin các quan chức Mỹ nhìn thấy một dự thảo thỏa thuận sơ bộ cho phép Trung Quốc được quyền sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm, Trung Quốc có thể triển khai quân nhân, cất trữ vũ khí và neo  đậu tàu chiến tại đây.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng việc giành được quyền sử dụng căn cứ này ở Campuchia sẽ giúp Trung Quốc mở rộng đáng kể khả năng triển khai quân sự chiến lược và thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Tàu hải quân Campuchia neo đậu tại cầu cảng căn cứ Ream (Ảnh: Cambodia China Times).
Tàu hải quân Campuchia neo đậu tại cầu cảng căn cứ Ream (Ảnh: Cambodia China Times).

Liên quan đến câu hỏi liệu Trung Quốc và Campuchia có ký thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc thành lập căn cứ tại căn cứ Hải quân Ream hay không, Tướng Chhum Socheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, ngày 21/8/2019 đã tiếp phóng viên VOA tại Phnom Penh. Trong cuộc phỏng vấn, ông Chhum Socheat khẳng định Campuchia không ký một thỏa thuận nào như vậy với Trung Quốc, vì Điều 53 của Hiến pháp Campuchia quy định rất rõ ràng không cho phép quân đội nước ngoài nào được thiết lập căn cứ ở Campuchia.

Khi đó, ông cũng cho biết Campuchia “thậm chí không nghĩ đến” việc cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân này dưới bất cứ hình thức nào.

Về vấn đề do Trung Quốc đầu tư và viện trợ nhiều cho Campuchia và do ảnh hưởng của nước này đối với chính phủ Campuchia, Campuchia sẽ khó từ chối nếu Trung Quốc yêu cầu sử dụng căn cứ hải quân này. Người phát ngôn này nói: “Campuchia là một quốc gia hoàn toàn độc lập có chủ quyền, chúng tôi không bị chi phối bởi bất kỳ ai. Không, chúng tôi không sợ ai cả. Đầu tư và thương mại là vấn đề đầu tư và thương mại, còn quân sự là vấn đề quân sự. Anh phải tách rời hai chuyện này”.

Tập đoàn Phát triển Youlian (Ưu Liên) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát một phần lớn tuyến ven biển của khu vực này thông qua Dự án Phát triển Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor và xây dựng một sân bay ở Vịnh Thái Lan dường như có thể dùng cho các máy bay quân sự và dân sự cất hạ cánh. Điều này càng gia tăng nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc được phép xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực. Các tài liệu tuyên truyền của Tập đoàn Youlian gọi kế hoạch phát triển này là “dự án đầu tư thành phố ven biển lớn nhất Đông Nam Á và thế giới”. Các dự án mới của Youlian tại Dara Sakor bao gồm một đường băng dài 3200 mét và cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn.

Bộ Tài chính Mỹ vào tháng trước đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Youlian.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố vào ngày Bộ Tài chính  công bố lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Youlian, nói rằng “có các thông tin đáng tin cậy” cho thấy dự án Dara Sakor có thể được sử dụng để cất trữ các vật tư quân sự (của Trung Quốc)”.

Ông nói: “Nếu tình hình này là đúng, nó sẽ vi phạm hiến pháp của Campuchia và có thể đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của Campuchia và an ninh của các đồng minh của chúng ta”.

Hôm đầu tháng 10, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy một cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ ở căn cứ hải quân Ream đã bị phá hủy. Các chuyên gia CSIS đặt nghi vấn phải chăng Campuchia phá hủy cơ sở quốc phòng này để phục vụ thỏa thuận ngầm với Trung Quốc.

 Trước khi Ủy ban An toàn Hàng hải Quốc gia Campuchia ra tuyên bố chính thức, ngày 4/10, tướng Tea Banh Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia đã bác bỏ các nghi vấn của CSIS.

(Theo VOA, Thời báo CPC-TQ)