“Cái kết đắng” của Vietnam Phoenix Fund sau cuộc chơi 8 năm ở VTC Online

VietTimes – Thu về hơn 1,7 triệu USD, tạm tính Vietnam Phoenix Fund đã “cắt lỗ” 83% đối với khoản đầu tư vào VTC Online sau 8 năm, đó là chưa tính đến các chi phí cơ hội…

Quỹ Vietnam Phoenix Fund Limited (VPFL), trong báo cáo thường kỳ tháng 4/2020, cho biết đã thoái vốn thành công khoản đầu tư vào CTCP VTC Truyền thông Trực tuyến (VTC Online).

Theo đó, quỹ đầu tư này cho biết đã thu về 1,7 triệu USD từ thương vụ, cao hơn xấp xỉ 14,5% giá trị sổ sách được ghi nhận vào ngày 30/3/2020. Đáng chú ý, khoản tiền mà VPFL thu về đã mất khoảng 83% so với giá trị đầu tư ban đầu.

Tháng 7/2012, VPFL (khi đó có tên là DWS Vietnam Fund) đã rót hơn 10 triệu USD để sở hữu 19,5% vốn của VTC Online, tương ứng với mức định giá công ty lên tới hơn 51,2 triệu USD.

Thành lập từ năm 2008, cùng với sự bùng nổ của internet, VTC Online nhanh chóng trở thành một trong 3 nhà phát hành game online hàng đầu tại Việt Nam. VTC Online cũng trở thành “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư lớn của các quỹ đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại.

Năm 2010, VTC Online có cổ đông đầu tư chiến lược đầu tiên là quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam. Tới năm 2012, doanh nghiệp này tiếp tục có thêm cổ đông chiến lược khác là quỹ đầu tư Duxton - Prime Limited.

Trở lại với VPFL, khoản đầu tư vào VTC Online cũng nhanh chóng cho thấy sự hiệu quả khi được định giá lên tới 10,12 triệu USD vào cuối năm 2012, và đỉnh điểm là 10,64 triệu USD vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên, khoản lỗ ròng 102 tỷ đồng đầy bất ngờ của VTC Online vào năm 2014 khiến thương vụ đầu tư của VPFL đảo chiều. Năm 2015, khoản đầu tư này thậm chí chỉ còn được định giá hơn 1,94 triệu USD.

Dù nỗ lực tái cấu trúc, song VTC Online giai đoạn sau đó đã không thể tìm lại “chính mình”, khoản đầu tư của VPFL cũng dần mất giá trị.

Tới cuối tháng 6/2019, khoản đầu tư này chỉ còn được định giá hơn 3,6 triệu USD. Nhưng như đã nêu ở đầu bài viết, VPFL sau cùng cũng chỉ thu hồi được 1,7 triệu USD, mà đó là giá đã cao hơn xấp xỉ 14,5% so với giá trị sổ sách tại ngày 30/3/2020.

Các cổ đông lớn đã nỗ lực thoái vốn tại VTC Online từ nhiều năm trước. Cuối năm 2017, Tổng Công ty truyền thông Đa phương tiện (VTC) đã rao bán đấu giá toàn bộ hơn 1,02 triệu cổ phần (tương đương 44,75% vốn điều lệ) của VTC Online.

Với giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần, VTC Online được định giá ở mức 245 tỷ đồng (khoảng 10,8 triệu USD), tức chỉ bằng 1/5 so với định giá của VPFL trước đó 5 năm. Phiên đấu giá thoái vốn của VTC đã không thể diễn ra khi chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Đối với VPFL, quỹ đầu tư này đã rục rịch thoái vốn khỏi VTC Online từ năm 2018. Có nhiều phương án đã được tính đến, trong đó có cả việc rao bán tòa nhà tòa nhà VTC Online ở số 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội, song không thành.

Sự phát triển VTC Online còn mang đậm dấu ấn của ông Phan Sào Nam, người đã bị kết án 5 năm tù giam về tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền.

Ngoài VTC Online, quỹ VPFL cũng đang có kế hoạch thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vào Anova Corp và SSG Group. Quỹ đầu tư này cho biết việc thoái vốn khỏi Anova Corp, SSG Group đang có nhiều tiến triển khi đã có đối tác mua lại và dự kiến sẽ hoàn tất trong vài tháng tới./.