Cách NXB Giáo dục “chia phần” với tư nhân trong làm sách giáo khoa...

VietTimes -- NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) thông qua “thỏa thuận khung” để sở hữu quyền chi phối ở một số công ty mà không cần nắm giữ đủ tỷ lệ cổ phần chi phối. Đổi lại, các công ty “liên kết” này - vốn do tư nhân sở hữu phần lớn cổ phần - được tham gia thực hiện từng phần hoặc toàn bộ công đoạn trong quá trình xuất bản sách, thiết bị giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu được học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Lần đầu tiên, chủ trương “có một số sách giáo khoa (SGK) cho mỗi môn học” (hay còn được diễn giải là “một chương trình, nhiều bộ SGK”) theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội được áp dụng vào thực tiễn.

Từ cuối tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã phê duyệt danh mục 32 cuốn SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong đó, các nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM cũng cho ra đời một bộ SGK gồm 8 quyển, tham gia vào chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.

Với hơn 60 năm kinh nghiệm trong việc biên soạn, biên tập, in và phát hành sách giáo khoa, NXBGDVN là đơn vị dẫn đầu đóng góp tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách.

Bên cạnh đó, năng lực của NXBGDVN còn thể hiện qua việc sở hữu đội ngũ cán bộ, công nhân viên gần 4.000 người có trình độ chuyên môn cao, cùng với hơn 50 đơn vị thành viên.

Sự chuẩn bị của NXBGDVN

Theo ghi nhận của VietTimes, có nhiều động thái cho thấy NXBGDVN đã sớm bắt đầu việc biên soạn SGK theo chương trình mới.

Ở khu vực phía Bắc, năm 2015, NXBGDVN đã ứng trước 24,38 tỷ đồng cho công ty thành viên là CTCP Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội (Mã CK: EPH) về việc “Tổ chức bản thảo SGK, sách bổ trợ (SBT) mới”. Theo hợp đồng ký kết, thời hạn quyết toán sẽ bắt đầu từ năm 2018.

Cần lưu ý rằng, tại thời điểm cuối năm 2015, NXBGDVN chỉ chiếm 26% vốn điều lệ của EPH. Tính tới cuối năm 2018, EPH đạt quy mô vốn điều lệ 25 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ sở hữu của NXBGDVN được cải thiện rõ rệt nhưng chưa đủ chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối, đạt mức 44% vốn điều lệ.

Ở khu vực phía Nam, khoảng 6 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, ngày 25/9/2015, NXBGDVN đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. HCM (Sở GD&ĐT Tp. HCM) về việc “tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới sau năm 2015”.

Như VietTimes đã đề cập, NXBGDVN còn quyết định chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở GD&ĐT Tp. HCM từ nguồn quỹ đầu tư xuất bản của doanh nghiệp này.

Trong đó, Giám đốc, Phó giám đốc Sở cùng Chánh văn phòng, Phó văn phòng, các Trưởng, Phó phòng chuyên môn, chuyên viên chỉ đạo toàn bộ các môn học từ tiểu học đến THPT tùy chức vụ, mỗi tháng nhận được thù lao từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng. Hoạt động này diễn ra trong nhiều năm.

Cách NXB Giáo dục Việt Nam “liên kết” làm sách giáo khoa

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, quá trình biên soạn SGK mới (bộ miền Nam) cũng ghi nhận sự tham gia tích cực của CTCP Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định (Gia Định).

Công ty này, vào tháng 8/2017, đã có tờ trình đề nghị NXBGDVN mời và ký hợp đồng với PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) làm Tổng chủ biên SGK của các tác giả khu vực phía Nam. Ông Hùng sau đó chính là Tổng chủ biên 2 cuốn sách Tiếng Việt 1 của NXBGDVN lọt trong danh mục phê duyệt cho chương trình phổ thông sẽ được áp dụng vào năm tới.

Bên cạnh đó, Gia Định còn đề nghị NXBGDVN tiếp tục chi trả thù lao cho Ban chỉ đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM và đưa chi phí này vào kinh phí làm bộ SGK (bộ miền Nam).

Trên trang chủ, Gia Định tự giới thiệu là công ty con của NXBGDVN, được thành lập vào năm 2009, trên cơ sở tách toàn bộ khối biên tập và một số bộ phận của NXBGDVN tại TP. HCM.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, tính đến cuối năm 2017, NXBGDVN mới chỉ nắm giữ 375.000 cổ phần, tương đương với 36,54% vốn của Gia Định. Giám đốc kiêm người đại diện của công ty trong nhiều năm là bà Trần Thị Kim Nhung (sinh năm 1961).

Bà Nhung cũng nhiều năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (Mã CK: SED) - một cổ đông lớn sở hữu 7,5% vốn của Gia Định.

Vai trò của SED trong việc soạn thảo các bộ sách giáo khoa cho chương trình mới chưa dừng lại ở đó.

Theo dữ liệu của VietTimes, SED cùng các pháp nhân là CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (Mã CK: DAD) và CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Mã CK: EID) tham gia góp vốn tại CTCP Đầu tư Xuất Bản - Thiết Bị giáo dục Việt Nam (VEPIC). Tỷ lệ sở hữu của các pháp nhân này tại VEPIC có lúc lên tới 90,09%, trong đó, SED và EID là những cổ đông lớn nhất (với tỷ lệ sở hữu của mỗi công ty ở mức 36,036%).

Trong đợt VEPIC tăng vốn từ mức 33,3 tỷ đồng lên 108,7 tỷ đồng vào tháng 11/2016, tổng tỷ lệ sở hữu của SED, DAD và EID giảm mạnh, chỉ đạt 27,595%.

VEPIC không phải là một cái tên xa lạ trong việc biên soạn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới.

Được biết, VEPIC đã phối hợp cùng với NXB Đại học Sư phạm (thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội) và NXB Đại học Sư phạm Tp. HCM (thuộc ĐH Sư phạm Tp. HCM) để biên soạn, xuất bản bộ sách mang tên “Cánh Diều”. Bộ sách “xã hội hóa đầu tiên” đã lọt vào dành sách SGK được phê duyệt đưa vào sử dụng ở các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021.

Sự xuất hiện của bộ sách được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng độc quyền về SGK suốt nhiều năm qua.

Có một điểm chung đáng lưu tâm tại SED, DAD, EID (và cả Gia Định) là việc NXBGDVN dù giữ tỷ lệ cổ phần chưa đủ mức chi phối nhưng lại sở hữu quyền chi phối tại các doanh nghiệp này.

Bởi lẽ, hồi đầu năm 2019, Đại hội đồng cổ đông thường niên của các doanh nghiệp SED, DAD, EID đồng loạt thông qua các thỏa thuận khung (với các điều khoản có nội dung khá tương đồng) về “Hoạt động chung trong Tổ hợp công ty mẹ - công ty con Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN)”.

Dự thảo thỏa thuận khung giữa Gia Định và NXBGDVN
Dự thảo thỏa thuận khung giữa Gia Định và NXBGDVN 

Lấy ví dụ về SED, khi tham gia thỏa thuận khung với NXBGDVN, công ty này đã sửa đổi, bổ sung điều 11, chương V về Cơ cấu tổ chức, quản trị và kiểm soát. Trong đó có nội dung như sau:

“- Công ty là doanh nghiệp tham gia thực hiện từng phần hoặc toàn bộ công đoạn trong quá trình xuất bản sách và thiết bị giáo dục do Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGDVN) chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; gắn bó với NXBGDVN về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh.

- Công ty có vốn góp của NXBGDVN dưới mức chi phối nhưng tự nguyện tham gia tổ hợp công ty mẹ - công ty con của NXBGDVN và do NXBGDVN giữ quyền chi phối thông qua thỏa thuận ký kết giữa hai bên phù hợp với quy định của pháp luật.

- Công ty là doanh nghiệp thành viên của NXBGDVN và có nghĩa vụ tuân thủ các quy chế, quy định, quy trình hoạt động chung của Tổ hợp công ty mẹ - công ty con do NXBGDVN ban hành”.

Được biết, trong tháng 7 năm 2019, NXBGDVN đã hoàn thành việc kí kết thỏa thuận khung về hoạt động chung của NXB Giáo dục Việt Nam với 28 đơn vị thành viên. Đây cũng là lần đầu tiên có văn bản chính thức công nhận mối quan hệ theo hệ thống giữa NXBGDVN và các đơn vị thành viên./.