Cách mạng công nghiệp 4.0: Liều “Doping” của smart city

Việc xây dựng các thành phố thông minh để giải quyết các vấn đề của đô thị có từ lâu, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu, song sau khi cuộc cách mạng này diễn ra, với những công nghệ mới thì việc triển khai smart city mới thực sự bùng nổ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp

Trong lịch sử của nhân loại, có nhiều phát minh về công nghệ mang tính đột phá đến mức khởi xướng lên một sự biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Khởi điểm của nền công nghiệp và văn minh đô thị là việc phát minh ra động cơ hơi nước/động cơ đốt trong. Đây gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Tiếp sau đó, các phát minh từ điện khởi nguồn cho kỷ nguyên sản xuất hàng loạt, đánh dấu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu từ việc phát minh ra máy tính, mạng Internet và các công nghệ thông tin - truyền thông để xây dựng thế giới công nghệ số như ngày hôm nay.

Các cuộc cách mạng công nghiệp

Năm 2011, kỹ sư người Đức Klaus Schwab bắt đầu nhắc tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đánh dấu một xu hướng phát triển công nghệ mới cho phép “xóa nhòa ranh giới giữa thế giới vật lý, thế giới ảo và thế giới sinh học” thông qua sự kết hợp của hàng loạt các công nghệ về (1) kết nối và lưu trữ dữ liệu lớn, (2) công nghệ phân tích và trí tuệ nhân tạo; (3) tương tác giữa con người và máy móc ở mọi lúc mọi nơi.

Ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề của đô thị

Trước khi khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhắc tới, một số thành phố lớn trên thế giới đã ứng dụng CNTT và truyền thông để:

- Thu thập dữ liệu với khối lượng lớn, được cập nhật thường xuyên (như từ các tương tác của người dân, số liệu của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ sở dữ liệu của chính quyền, các hệ thống kỹ thuật, công nghệ thông tin giám sát chất lượng đô thị...); 

- Chuyển tải các dữ liệu này một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất đến những đối tượng có nhu cầu tiếp nhận, sử dụng dữ liệu thông qua các kênh kết nối số (như cổng thông tin điện tử, trang mạng, ứng dụng trên thiết bị di động; các hệ thống truyền dữ liệu tự động...);

- Thông qua các hệ thống máy móc phân tích dữ liệu đủ mạnh để trích xuất những thông tin hữu ích phục vụ việc ra quyết định một cách kịp thời và chính xác.

Mục tiêu sau cùng là giúp chính quyền đưa ra những quyết định quản lý hiệu quả, tạo môi trường làm việc, sinh sống thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Smart city thực sự trở thành một xu hướng trên thế giới

Có thể nói sự xuất hiện của các “công nghệ 4.0” thực sự là động lực khiến xây dựng smart city trở thành một xu hướng phổ biến. Các quốc gia đang triển khai xây dựng đô thị thông minh trải rộng khắp thế giới như Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Brazil, Malaysia... Ngay cả Ấn Độ (nơi GDP bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam) cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng 100 thành phố thông minh như là một đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Theo dự báo năm 2014 của IHS Technology, từ năm 2013 đến năm 2025, số lượng các đô thị thông minh trên thế giới sẽ tăng từ 21 lên ít nhất 88 thành phố (và đến nay dự kiến sẽ còn tăng đến hàng trăm thành phố với đề án xây dựng 100 thành phố thông minh của Ấn Độ).

Nhiều công nghệ chủ đạo của nền công nghiệp 4.0 đang trở thành công cụ đắc lực cho việc triển khai xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là với việc đáp ứng hai nhu cầu về nâng cao hiệu quả dự báo phát triển và vận hành đô thị. Ví dụ, với IoT, các hệ thống vật dụng, thiết bị đều có khả năng cung cấp dữ liệu với quy mô lớn, giúp hình thành một cơ sở dữ liệu chi tiết cực lớn về nhiều lĩnh vực khác nhau. Phân tích dữ liệu lớn sẽ hỗ trợ việc chiết xuất các thông tin quan trọng trong quá trình ra quyết định của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Ngày càng có nhiều những hệ sinh thái giải pháp thông minh đa dạng từ các nhà cung cấp giải pháp lớn cũng như các sản phẩm từ cộng đồng khởi nghiệp tạo ra một thị trường vô cùng sôi động đáng giá nhiều tỷ đô. Nhờ đó, smart city có thể giải quyết nhiều vấn đề đa dạng của các đô thị: Từ quy hoạch đô thị, giao thông, y tế, chính quyền, an ninh trật tự, chất lượng môi trường, rác thải, giáo dục, năng lượng, đến cảnh báo ngập nước, nông nghiệp, thanh toán tài chính...

Theo Xã hội Thông tin

http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201711/cach-mang-cong-nghiep-40-lieu-doping-cua-smart-city-587021/