Arab Saudi là nơi tập trung những kế hoạch chi tiêu hết sức hào nhoáng trong năm qua: dự án phát triển bất động sản trị giá 48 tỉ USD được neo giữ bởi một khối lập phương cao 1/4 dặm; một hãng hàng không toàn cầu cạnh tranh với những “gã khổng lồ” khác trong ngành; sáp nhập với PGA Tour; khoản đầu tư 100 tỉ USD vào chip và thiết bị điện tử.
Tất cả đều trở nên khá đắt đỏ.
Quỹ tài sản nhà nước của Arab Saudi, được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án này, tháng trước cho biết mức tiền mặt mà họ nắm giữ tính đến tháng 9 đã giảm khoảng ¾, xuống còn 15 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, khi quỹ bắt đầu báo cáo dữ liệu.
Để duy trì các khoản chi tiêu, vương quốc này đã chuyển sang một phương án mà họ đã tránh xa trong nhiều thập kỷ gần đây: đi vay. Theo những người quen thuộc với thương vụ này, họ cũng lên kế hoạch bán một lượng lớn cổ phiếu của công ty dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco.
Những kế hoạch chi tiêu và vay mượn khổng lồ này đã cho thấy tham vọng của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman đối với vương quốc và cho thấy họ có thể đối mặt với những vấn đề căng thẳng tài chính như thế nào, trong bối cảnh lãi suất tăng cao và giá dầu ở mức vừa phải.
Arab Saudi hiện mới chỉ thực hiện được một nửa kế hoạch phát triển kinh tế mang tên Tầm nhìn 2030 (Vision 2030), nhằm mục đích biến vương quốc thành một cường quốc đa dạng về kinh tế. Hoàng tử Mohammed đã mô tả tầm nhìn của mình nhằm biến Trung Đông thành “Châu Âu mới”.
Mùa xuân năm ngoái, nước này đã đặt mua lượng máy bay phản lực trị giá 35 tỉ USD từ Boeing, một nửa số đó là cho hãng hàng không mới của họ. Quỹ tài sản nhà nước cũng làm rung chuyển nền kinh tế của môn thể thao golf và bóng đá chuyên nghiệp thông qua đề xuất sáp nhập LIV Golf và PGA cũng như những lời đề nghị hấp dẫn để chiêu mộ các cầu thủ bóng đá Ngoại hạng Anh cho giải đấu trong nước của Arab Saudi.
Ngoài ra còn có những cam kết mới, bao gồm kế hoạch chi 38 tỉ USD để phát triển lĩnh vực thể thao điện tử và trò chơi điện tử, cũng như tạo ra ngành sản xuất ô tô điện trong nước.
Tầm nhìn 2030, kết hợp với các chương trình tự do hóa xã hội như đưa phụ nữ vào lực lượng lao động và chính sách đối ngoại tích cực hơn, là những dấu hiệu cho thấy sự điều hành trên thực tế của Hoàng tử Mohammed đối với đất nước 36 triệu dân.
Đắt tiền nhất trong số những kế hoạch đó là thứ mà ông gọi là “siêu dự án”. Chúng bao gồm New Murabba, dự án tại thủ đô Riyadh với khối lập phương khổng lồ và khu nghỉ dưỡng du thuyền trên Biển Đỏ. Đáng chú ý nhất là một thành phố giống như trong phim khoa học viễn tưởng được quy hoạch với 9 triệu dân có tên là Neom, bao gồm 2 tòa nhà dài 110 dặm được phủ kính tráng gương, cao hơn Tòa nhà Empire State, với mức giá ước tính 500 tỉ USD.
Phần lớn các khoản chi tiêu chỉ tăng lên. Siêu dự án trị giá 62 tỉ USD có tên Diriyah hiện đang trong quá trình xây dựng, trong khi đội quân máy xúc đang đào nền móng cho phần đầu tiên của những tòa tháp dài của Neom. Dự án Neom tháng trước đã cam kết chi 5 tỉ USD để xây dựng một con đập ở chân một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên một ngọn núi khô cằn – chủ yếu sử dụng tuyết nhân tạo.
Các học giả nghiên cứu quỹ này cho biết họ có thể cần thêm hàng trăm tỉ USD từ phía nhà nước. Kế hoạch Tầm nhìn 2030 kêu gọi quỹ tài sản, được gọi là Quỹ đầu tư công (PIF), tăng lượng tài sản lên 2 nghìn tỉ USD, từ mức 718 tỉ USD tính đến tháng 9. PIF cho biết họ hy vọng sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn từ chính phủ.
“Số lượng công việc đang được thực hiện ở đó thật đáng kinh ngạc”, Tim Callen, một thành viên thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, cho biết. Ông ước tính chính phủ Arab Saudi có thể cần đóng góp thêm 270 tỉ USD cho PIF vào năm 2030. “Điều này liên quan đến việc chấp nhận nhiều rủi ro hơn” về mặt tài chính, ông nói, bằng cách tăng thêm nợ hoặc giảm dự trữ để giữ cho đồng riyal của Arab Saudi được neo giá với đồng USD.
Cùng lúc với việc chi tiêu tăng mạnh thì nguồn thu từ dầu mỏ của Arab Saudi đang chững lại. IMF ước tính giá dầu sẽ phải trên 86 USD/thùng vào năm 2023 và 80 USD/thùng trong năm nay mới có thể cân bằng ngân sách chính phủ Arab Saudi. Giá dầu dao động quanh mức 81 USD trong năm 2023. Bất chấp khoản chi tiêu khổng lồ, Arab Saudi vẫn trải qua một đợt suy thoái kinh tế hiếm thấy vào năm 2023.
Năm nay, Arab Saudi dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách 21 tỉ USD, tương đương khoảng 2% GDP. Riyadh dự kiến sẽ có mức thâm hụt hàng năm khá nhỏ cho đến năm 2026, một sự thay đổi so với dự báo thặng dư được đưa ra trước đó.
Để bù đắp cho khoản thâm hụt này, Arab Saudi bắt đầu năm mới với 2 đợt bán nợ khổng lồ. Vào đầu tháng 1, chính phủ đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi chào bán lượng trái phiếu trị giá 12 tỉ USD. Chỉ vài ngày trước đó, họ ước tính sẽ vay khoảng 9 tỉ USD từ thị trường nợ quốc tế trong cả năm 2024. Vài tuần sau, PIF đã bán 5 tỉ USD trái phiếu.
Bên ngoài nước Mỹ, Arab Saudi có nhiều trái phiếu bằng USD đang lưu hành - khoảng 100 tỉ USD - hơn bất kỳ tổ chức nào trên thế giới ngoại trừ Ngân hàng Thế giới (WB).
Không ai dự đoán một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra đối với đất nước vốn có rất nhiều dư địa tài chính. Theo Capital Economics, nợ của Arab Saudi dự kiến sẽ đạt 26% GDP trong năm nay sau khi chạm đáy ở mức 1,5% cách đây một thập kỷ.
Dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng trung ương Arab Saudi hiện tại là khoảng 400 tỉ USD, giảm từ mức 700 tỉ USD vào năm 2015. Nước này sử dụng số tiền đó để duy trì tỷ giá đồng tiền của mình với đồng USD và trước đây cũng rót một phần cho PIF.
Razan Nasser, một nhà phân tích tại T. Rowe Price, cho biết các câu hỏi về việc liệu tốc độ phát hành nợ sẽ tiếp tục đè nặng lên giá trái phiếu của Arab Saudi và làm lãi suất vay đối với họ. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của quốc gia này giao dịch với lợi suất khoảng 5,3%, so với lợi suất dưới 5% của các trái phiếu tương tự từ UAE và Qatar.
Một cách khác để nước này huy động tiền mặt: Riyadh có kế hoạch bán 1% cổ phần của công ty dầu mỏ nhà nước Aramco cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, theo những người quen thuộc với thương vụ này. Động thái này có thể mang lại khoảng 20 tỉ USD. Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 25,6 tỉ USD của Aramco vào năm 2019 phần lớn được rót cho PIF. Quỹ này sở hữu khoảng 8% Aramco.
Việc bán cổ phiếu Aramco cũng có tác động tiêu cực. Nó làm giảm một trong những nguồn doanh thu liên tục lớn nhất của Arab Saudi: cổ tức của Aramco.
Theo công ty dữ liệu Global SWF, tốc độ chi tiêu chóng mặt vào năm ngoái đã biến PIF trở thành quỹ tài sản nhà nước hoạt động tích cực nhất thế giới. PIF đã chi 32 tỉ USD cho 49 thương vụ mua lại và các giao dịch khác được Global SWF theo dõi, tăng 33% so với năm trước đó.
Các quan chức Arab Saudi cho biết họ muốn các nhà đầu tư bên ngoài giúp chia sẻ gánh nặng. Nước này gần đây đã thực hiện cải cách tư pháp để làm cho hệ thống pháp luật thân thiện hơn với nguồn tiền đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án năm 2030 vẫn còn hạn chế.
Liệu Arab Saudi, Ấn Độ và Indonesia có thể gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế lớn thế giới?
Arab Saudi và UAE chạy đua mua chip 40.000 USD của Nvidia, thúc đẩy các mục tiêu tham vọng về AI
Tham vọng thống trị ngành công nghiệp game của Arab Saudi
Theo Wall Street Journal