Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành, tổng mức đầu tư dự kiến 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD) cho một sân bay 2 đường băng với mục tiêu phục vụ 100 triệu lượt hành khách và chuyên chở 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Trên thế giới, nhiều quốc gia gần đây cũng đầu tư sân bay có quy mô tương đương Long Thành, nhưng chi phí chênh lệch khá cao.
Cuối tháng 9/2019, Sân bay Quốc tế Đại Hưng (Trung Quốc) bắt đầu hoạt động. Đây là dự án nhằm giảm tải cho Sân bay Quốc tế Bắc Kinh – hiện là sân bay bận rộn thứ nhì thế giới và đã hoạt động hết công suất với hơn 101 triệu lượt khách năm ngoái.
Sân bay Quốc tế Đại Hưng nhìn từ trên cao. Ảnh: AP |
Đại Hưng khởi công năm 2014, với tổng chi phí 11,5 tỷ USD do chính phủ Trung Quốc tài trợ. Hàng chục công ty của Trung Quốc và nước ngoài đã tham gia vào quá trình thiết kế, thi công sân bay. Được gọi là sân bay thiết kế cho tương lai, Đại Hưng nằm trên diện tích 47 km2, hiện có 4 đường băng với nhà ga rộng tương đương 97 sân bóng đá và nhiều robot phục vụ.
Mục tiêu ban đầu của Đại Hưng là đến năm 2025 chuyên chở 72 triệu lượt khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong tương lai, họ muốn có tổng cộng 7 đường băng, phục vụ ít nhất 100 triệu lượt khách và 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Ngoài Đại Hưng, Trung Quốc cũng có một dự án khổng lồ khác đang thực hiện là Sân bay Quốc tế Chengdu Tianfu ở Thành Đô. Sân bay này dự kiến hoàn thành cơ bản cuối năm 2020 và đi vào hoạt động nửa đầu năm 2021, với tổng chi phí hơn 11 tỷ USD. Khi hoàn thiện, sân bay có 6 đường băng và công suất phục vụ 90 triệu hành khách mỗi năm.
Trung Quốc từng được nhiều tổ chức dự báo vượt Mỹ thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới năm 2022. Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu CAPA vào tháng 2/2019, nước này đang có hơn 10 dự án xây mới, mở rộng sân bay với chi phí thấp nhất là 2 tỷ USD.
Sân bay Istanbul sẽ phục vụ 200 triệu hành khách mỗi năm khi hoàn tất. Ảnh: Istanbul New Airport |
Hồi tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngừng hoạt động vận tải hành khách thương mại tại Sân bay Istanbul Ataturk để chuyển sang sân bay mới có tên Istanbul. Sân bay này đã hoàn thành giai đoạn một từ tháng 10/2018, với 4 đường băng và một nhà ga có diện tích 1,4 triệu m2.
Dự án có tổng cộng 4 giai đoạn, sẽ hoàn tất trong vài năm tới với tổng chi phí khoảng 12 tỷ USD. Liên minh các công ty Thổ Nhĩ Kỳ gồm Cengiz, Kolin, Limak, Mapa và Kalyon đã thắng thầu việc xây dựng và vận hành sân bay Istanbul theo hình thức BOT năm 2013. Các công ty khác cũng tham gia đấu thầu là TAV Holdings (Thổ Nhĩ Kỳ) và Fraport (Đức).
Sân bay mới được xây dựng trên diện tích 76 triệu m2, có thể phục vụ 90 triệu hành khách mỗi năm trong giai đoạn một. Khi toàn bộ sân bay hoàn thiện, công suất này có thể tăng lên 200 triệu hành khách, với 6 đường băng và 4 nhà ga. Khi đó, đây sẽ là sân bay bận rộn nhất thế giới. Hiện tại, Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson tại Atlanta (Mỹ) giữ vị trí này, với 107 triệu hành khách năm ngoái.
Tại Philippines, hồi tháng 8, Bộ Giao thông nước này đã trao hợp đồng xây sân bay mới tại Bulacan cho San Miguel Holdings. Sân bay này có tên Bulacan, được đề xuất xây dựng từ năm 2016, nằm trên tổng diện tích 2.500 hecta.
San Miguel sẽ phải khởi công trong năm nay, và hoàn tất trong 4-6 năm. Sân bay mới sẽ có 4 đường băng, được kỳ vọng phục vụ khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, giảm tải cho Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino. Tổng chi phí cho dự án vào khoảng 735,6 triệu peso (14,47 tỷ USD), hoàn toàn không tiêu tốn tiền của chính phủ Philippines. Đây cũng sẽ là dự án giao thông lớn nhất của Phlippines từ trước đến nay.
San Miguel cho biết họ sẽ hợp tác với các hãng xây dựng và thiết kế nước ngoài để thực hiện dự án này. Trong đó có công ty từng xây Sân bay Changi (Singapore) và Sân bay Charles De Gaulle (Pháp).
Tại Ấn Độ, giới chức nước này cũng đang chào mời doanh nghiệp tham gia dự án Sân bay Quốc tế Noida tại Jewar. Đến nay, 15 công ty tư nhân đã bày tỏ quan tâm đến việc vận hành, quản lý và xây dựng sân bay này.
Sân bay dự kiến nằm trên tổng diện tích 5.000 hecta và có tổng chi phí 4,1 tỷ USD. Dự án được thực hiện theo 4 giai đoạn và hoàn tất năm 2023. Giai đoạn đầu sẽ bao phủ diện tích 1.300 hecta với 2 đường băng. Chi phí cho giai đoạn đầu là hơn 550 triệu USD, trong đó đã bao gồm chi phí đền bù đất và tái định cư.
Công suất ban đầu của Noida sẽ là 12 triệu hành khách mỗi năm. Trong tương lai, con số này được kỳ vọng nâng lên 70 triệu hành khách. Giới chức Ấn Độ cũng đang nghiên cứu mở rộng số đường băng tại đây lên 6 hoặc 8.
Một báo cáo năm ngoái của IATA có tên Airport of the Future (Sân bay của tương lai) dự báo đến năm 2035, lưu lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không mỗi năm sẽ lên 7,2 tỷ lượt, gần gấp đôi so với năm 2015. Tuy vậy, 100 sân bay bận rộn nhất thế giới hiện không còn dư nhiều công suất.
Gần như toàn bộ số sân bay này sẽ phải nâng cấp cơ sở hạ tầng mạnh tay trong 10 năm tới. Trên thực tế, hiện tại, khoảng 45 sân bay trong nhóm này đang gặp vấn đề về công suất, cả về đường băng lẫn nhà ga. IATA cho rằng trong 10 năm tới, toàn cầu sẽ chi ra 1.200 – 1.500 tỷ USD cho sân bay.
Hà Thu (tổng hợp)
Theo VnExpress
Link: https://vnexpress.net/kinh-doanh/cac-nuoc-xay-san-bay-tuong-tu-long-thanh-het-bao-nhieu-4011935.html