|
Biển bán bên ngoài một ngôi nhà ở Sydney. Đa số đầu tư từ Trung Quốc là tập trung vào địa ốc với 9,5 tỉ USD được chi ra vào năm 2014. Ảnh Reuters |
Tại Canberra, chính phủ đang đúc kết những quy định cho các nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản Úc.
Lần đầu tiên, Trung Quốc trở thành nguồn đầu tư nước ngoài chính tại Australia, đưa Hoa Kỳ xuống vị trí thứ hai.
Năm ngoái, số tiền mặt mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ vào Australia là 21,8 tỉ USD, trong khi đầu tư từ Hoa Kỳ chỉ có 13,8 tỉ USD.
Các số liệu vừa kể chứa trong bản phúc trình hằng năm của Ban Giám Định Đầu Tư Nước Ngoài của Australia, được thành lập để điều tiết các khoản đầu tư nước ngoài.
Đa số đầu tư từ Trung Quốc là tập trung vào địa ốc với 9,5 tỉ USD được chi ra vào năm 2014. Đây là con số gấp đôi tổng số đầu tư từ phía các nhà đầu tư Mỹ vào bất động sản Úc.
Luồng tiền của Trung Quốc vào địa ốc của Úc đang khơi ra những nhạy cảm chính trị, đặc biệt là ở Sydney, nơi giá nhà tăng vọt lên 14% vào năm ngoái, tăng 60% kể từ năm 2009. Mức tăng giá mạnh không chỉ là kết quả của đầu tư nước ngoài, mà còn bởi vì mức lãi suất thấp kỷ lục ở Úc và sự khan hiếm nguồn cung.
Tuy nhiên, chính phủ đã đề xuất những quy định mới chặt chẽ về đầu tư nước ngoài vào bất động sản nhà ở.
Ông Tim Harcourt, một kinh tế gia ở trường đại học Kinh tế New South Wales, nói rằng dòng đầu tư từ Trung Quốc là bất ngờ.
Ông nói: “Đó là một hiện tượng khá mới mẻ bởi vì thường các nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Úc là người Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản trong những năm gần đây nên Trung Quốc và Ấn Độ là những người mới tham gia. Vì vậy thực tế việc họ đã vượt cấp khá nhanh chóng có lẽ là một chút bất ngờ. Phần lớn trong đó là có liên quan đến giáo dục và mong muốn trở thành thường trú dân”.
Năm ngoái, một ủy ban quốc hội ở Canberra nhận thấy rằng thay vì bóp méo thị trường nhà ở của Úc, đầu tư nước ngoài thực tế đã giúp phục giá qua việc tăng nguồn cung cấp những ngôi nhà mới. Các giới chức cho biết các lợi ích còn mở rộng ra việc tạo công ăn việc làm về xây dựng và thu thuế.
Để khai thác nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc, một số công ty địa ốc Úc lớn hơn đã mở các văn phòng ở Bắc Kinh và Hồng Kông để cung cấp dịch vụ theo ý các nhà đầu tư địa phương.
Trong khi việc bán bất động sản cho Trung Quốc tiếp diễn thì việc bán các trang trại ở Úc cho người nước ngoài đang ngày càng gây tranh cãi. Những người chỉ trích lập luận rằng điều này gây nguy cơ cho an ninh lương thực Úc, trong khi những người ủng hộ khẳng định nó giúp về khả năng tài chính cho ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực.
Theo: BizLive