Các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook, Amazon, Google và Apple sẽ bị trừng phạt nếu nước Mỹ có tân Tổng thống vào năm 2020?

VietTimes – Một ứng viên đang chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2020 vừa đưa ra một kế hoạch, theo đó một số công ty công nghệ lớn sẽ bị trừng phạt vì những hoạt động độc quyền và gây tổn hại đến sự riêng tư của người dùng.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Elizabeth Warren (ảnh: Firstpost)
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Elizabeth Warren (ảnh: Firstpost)

Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren là một trong số các ứng viên của đảng Dân chủ đang vận động nội bộ để được trở thành đại diện duy nhất của Đảng ra ứng cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2020. Trong một bài đăng trên blog được công bố vào hôm qua, bà Elizabeth đã đề xuất trừng phạt các công ty công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Amazon, Apple, Facebook và Google. Kế hoạch của bà Elizabeth là kêu gọi các nhà quản lý tìm cách vô hiệu hóa các vụ sáp nhập mà bà cho là “phá hoại sự cạnh tranh lành mạnh”.

Chẳng hạn, theo đề xuất của bà Elizabeth, Facebook sẽ buộc phải hủy bỏ các giao dịch mua Instagram và WhatsApp. Google sẽ buộc phải tạo cho ứng dụng điều hướng Waze độc lập so với Nest và Double. Amazon sẽ phải từ bỏ Whole Food và Zappos. Để cải thiện tính bảo mật của dữ liệu cá nhân của người dùng, các công ty công nghệ lớn sẽ không được phép chuyển hoặc chia sẻ dữ liệu này với bên thứ ba. Hiện tại có rất nhiều công ty đã chia sẻ thông tin này với bên thứ ba để giúp họ đăng quảng cáo tới đúng đối tượng khách hàng.

Kế hoạch của bà Elizabeth là phân cấp các công ty công nghệ ra thành 2 nhóm khác nhau. Một nhóm bao gồm những công ty có doanh thu 25 tỷ USD/năm trở lên. Được gọi là "nhóm nền tảng", nhóm các công ty này sẽ không được phép sở hữu một thị trường trực tuyến và bán sản phẩm của riêng họ trên đó. Amazon Marketplace và AmazonBasic là ví dụ. Bà Elizabeth nói rằng điều này sẽ cho phép các công ty nhỏ hơn bán sản phẩm của họ trên Amazon mà không phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính Amazon. Cũng theo đề xuất này, Google sẽ buộc phải loại bỏ những chiêu trò kinh doanh từ công cụ tìm kiếm của mình.

Nhóm thứ hai sẽ bao gồm các công ty toàn cầu có doanh thu dưới 25 tỷ USD/năm. Mặc dù các công ty trong nhóm này cũng sẽ phải đối mặt với một số quy định, nhưng họ sẽ không gặp phải những hạn chế tương tự đối với việc bán sản phẩm của chính họ trên các trang web thương mại mà họ sở hữu.

Kế hoạch cũng sẽ cho phép Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, hoặc người tiêu dùng bị tổn hại, kiện khi một công ty vi phạm các quy định mới. Bất kỳ công ty nào bị phát hiện vi phạm các quy định này sẽ bị buộc phải trả tiền phạt bằng 5% doanh thu toàn cầu của công ty.

Bà Elizabeth không phải là ứng cử viên Tổng thống duy nhất đang tìm cách áp đặt nhiều quy định hơn đối với các công ty công nghệ. Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders và Thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar đều đang tìm cách hạn chế quyền hạn của các công ty công nghệ. Thượng nghị sĩ Kamala Harris bang California, nơi mà Apple và Google đặt trụ sở, đã lên tiếng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên bà Kamala Harris vẫn chưa hạn chế được tầm ảnh hưởng mà các đại gia công nghệ đang nắm giữ.