BVSC: Giao dịch T+0 và bán khống là “cú hích” lớn cho TTCK

VietTimes – BVSC cho rằng, giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Bộ Tài chính đang thực hiện lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015. Đáng chú ý, dự thảo Thông tư mới có các điều, khoản quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày và giao dịch bán khống.

Theo Thông tư, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo (giao dịch bán khống có bảo đảm) là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (hiện là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)). Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại VSD. Để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày phải tuân thủ quy định không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại đợt giao dịch liên tục trước đó.

Theo BVSC, giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh nếu dự thảo được thông qua. Đồng thời, giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh đó, BVSC cho rằng, việc được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại lớn trong thời gian tới./.