Buýt nhanh gì mà phải cấm đường như khi có xe ưu tiên?!

VietTimes -- Hôm nay, 15/12, tuyến buýt nhanh BTR của Hà Nội đã thử nghiệm kỹ thuật. Vấn đề đặt ra là tuyến xe này có khá nhiều đoạn phải đi chung với các loại phương tiện khác, do vậy tuyến xe có hoạt động đúng với yêu cầu nhanh hay không, thì vẫn là câu hỏi cần trả lời từ thực tế.
Những chiếc xe buýt nhanh BTR đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Quang Vững
Những chiếc xe buýt nhanh BTR đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Quang Vững

Trong sáng 15/15, do là chạy thử nghiệm kỹ thuật, tuyến xe chưa thực hiện đón, trả khách ngoài đường, mà vẫn  vận hành trong sân Bến xe Kim Mã. Tại đây, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT đã trả lời một số câu hỏi của báo chí. Cụ thể: 

Để đưa tuyến vận tải bus nhanh BRT đi vào hoạt động thì Tổng công ty vận tải Hà Nội đã thành lập hẳn 1 xí nghiệp xe buýt nhanh BRT, đơn vị đã chuẩn bị những điều kiện cần và đủ gì để sẵn sàng tiếp nhận tuyến BRT đưa vào khai thác, chuẩn bị gì về nhân lực cũng như công tác đào tạo, cơ sở vật chất..?

Trước nhiệm vụ năm của thành phố giao, Tổng công ty cũng đã có công tác chuẩn bị từ rất sớm để thành lập xí nghiệp xe bus nhanh BRT. Ngay sau khi thành  lập, Tổng công ty cùng lãnh đạo xí nghiệp đã thành lập bộ máy quản lý, vận hành và đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất. Đến nay, tất cả trang thiết bị cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực đã đầy đủ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vận hành tuyến khi sở GTVT có quyết định.

Về nhân lực, đã có đầy đủ bộ máy quản lý theo các phòng ban, đặc biệt là đội ngũ công nhân lái xe và nhân viên phục vụ. Chúng tôi cũng đã có đủ và đang tham gia các khóa đào tạo của Sở GTVT tiến hành đào tạo theo chương trình từ 1/12 đến 17/12. Đào tạo cả về cán bộ, thợ bảo dưỡng, sửa chữa theo mẫu xe mới của BRT. Đồng thời lái xe cũng được tham gia khóa đào tạo tại nhà máy cũng như là đào tạo tiếp cận với  xe số tự động tại bến xe Kim Mã

Ông Nguyễn Thủy - Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Ảnh: Bùi Phú
Ông Nguyễn Thủy - Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Ảnh: Quang Vững

Có 70 lái xe vận hành tuyến BRT, hầu hết đã có kinh nghiệm lái bus thông thường thì tại sao khi sang lái xe mới phải đào tạo thêm, thưa ông? 

Phía Tổng công ty cũng đã đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cho nhân viên lái xe và nhân viên phục vụ. Đây là tuyến bus cần sự phục vụ và tay nghề lái xe cao hơn. Chính vì vậy, việc lựa chọn, tuyển chọn trong đội ngũ công nhân lái xe của Tổng công ty cũng cần những lái xe có tay nghề cao hơn.

Thứ hai, tại sao vẫn phải đào tạo thêm?. Vì đây là loại xe có hộp số tự động, và theo nhà sản xuất, dòng xe này có  những công nghệ mới hơn so với các tuyến bus đang vận hành. Vì vậy công tác đào tạo cũng cần được kỹ hơn về mặt kỹ thuật của phương tiện.

Thêm nữa, việc dừng đỗ tiếp cận với nhà chờ cũng khác hơn so với tuyến bus hiện nay, kỹ thuật đỗ xe giữa bus với nhà chờ cũng cần cao hơn. Chính vì vậy việc đào tạo cần kỹ hơn.

Nhà chờ của tuyến buýt nhanh BTR
Nhà chờ của tuyến buýt nhanh BTR. Ảnh: Quang Vững

Hỏi: Tổng công ty đã tiếp nhận hết nhà chờ của tuyến BRT này chưa, thưa ông?

Vừa qua, Tổng công ty đã tiếp nhận hệ thống nhà chờ từ sở GTVT Hà Nội. Hiện tại, nhà chờ đang được ban quản lý dự án hoàn thiện các hạng mục khác về trang thiết bị công nghệ.

Vấn đề công chúng quan tâm là vé của tuyến xe sẽ là kiểu gì và sử dụng như nào, khi ban đầu dự kiến sử dụng smartcard nhưng hiện tại chưa thấy. Đồng thời phương thức đi vào nhà chờ cũng như soát vé cũng cần được cho công chúng rõ, thưa ông?

Theo sự chấp thuận của UBND thành phố với phương án vận hành do sở GTVT trình thì giai đoạn trước mắt, hệ thống vé vẫn sử dụng hệ thống vé chung với xe bus hiện nay.

Hành khách đi vào nhà chờ, tiếp cận và soát vé như thế nào, có giống kiểu tự động như thiết kế, thưa ông ?

Theo phương án vận hành, hành khách lên xe tại nhà chờ, trước khi vào nhà chờ phải mua vé và qua kiểm soát vé mới được vào, khi xe đến thì lên xe, hình thức kiểm soát vé là tại nhà chờ.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã trình UBND thành phố phương án phân luồng, tổ chức giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa và đã được chấp thuận.

Theo đó, trong giai đoạn chạy thử, sẽ có 29 xe buýt được đưa vào vận hành, tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22-30 km/h, thời gian vận hành một lượt từ 45-55 phút.

Khi buýt nhanh hoạt động chính thức, sẽ cấm xe khách, ô tô tải (từ 500kg trở lên) hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h00-9h00, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc). Các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường.

Đối với xe taxi sẽ cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h00-9h00, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Với các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.

Tại 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng, sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác.

Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trên trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng… lưu thông trên 2 cây cầu vượt.

Một hành khách đi xe buýt đi tìm hiểu lộ trình xe buýt nhanh để sắp xếp lộ trình từ Hoàng Minh Giám đi sang Gia Lâm trải nghiệm thử cho biết, thông thường, bà phải đi xe 22 từ Hoàng Minh Giám để sang Bến xe Gia Lâm.

Con trai bà bên Singapore, nên thỉnh thoảng bà sang đó chơi vài ngày. Bà được con trai mua thẻ từ xe buýt thường, bà cảm thấy xe buýt thường bên Singapore rất nhanh và văn minh. Trong đó, hành khách ra vào đều quẹt bằng thẻ từ và trừ vào tài khoản, tốc độ xe buýt rất nhanh, khoảng 100km/h, khi đến các nhà chờ thì đi bình thường để người dân có thể thong thả lên xe buýt - bà cho biết.

Ngoài ra, đường xá bên Singapore không có nhiều xe máy như ở Việt Nam, xe máy ít lắm! thông thoáng nên không thể bị tắc đường. Xe buýt thường bên Singapore di chuyển rất nhanh.

Hành khách này nói, bà hy vọng ở Việt Nam có được tuyến xe buýt tốc độ nhanh thực sự chứ chỉ nhanh hơn 5-10 phút xe buýt thường thì rất thất vọng.

"Nếu xe buýt nhanh như này cảm quan đầu tiên cảm thấy chưa cải thiện được nhiều gì cả, đầu tiên tôi nghe rất hào hứng, nhưng tôi xem thấy thất vọng. Tóm lại chưa cải thiện được gì. Tôi đến xem xe buýt nhanh của ta có nhanh như xe buýt thường bên Singapore hay không nhưng có lẽ xe không cải thiện được nhiều" - bà nói.

Một người dân ở đường văn Phúc, Đống Đa còn cho biết, “xe buýt nhanh gì mà phải cấm đường như khi có xe của thủ tướng. Phố xá như hiện nay xe máy còn khó đi huống hồ gì xe buýt. Cấm đường này sẽ dồn ùn tắc sang các tuyến đường khác".

Hình bên trong xe buýt nhanh BTR. Ảnh: Bùi PhúHình bên trong xe buýt nhanh BTR. Ảnh: Quang Vững