Bức tranh thuế Việt Nam: Thuế này giảm thì thuế kia tăng!

Kết quả: Mặc dù giảm thuế cho doanh nghiệp, tổng thu ngân sách vẫn tăng 7%. Trong các sắc thuế chính, thuế giá trị gia tăng, chiếm 1/3 tổng doanh thu thuế, đã tăng 15% nhờ tiêu dùng cá nhân tăng và doanh thu thuế thu nhập cá nhân tăng 18% do nở rộng diện chịu thuế.
Bức tranh thuế Việt Nam: Thuế này giảm thì thuế kia tăng!

Theo báo cáo Điểm lại: Cập nhật Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam tháng 12/2015, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra khuyến nghị: Củng cố tài khóa vẫn là nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam nhằm kiểm soát rủi ro và tăng cường bền vững tài khóa.

Xét về tình hình thu ngân sách 9 tháng đầu năm, World Bank cho biết có 3 khoản thu giảm, gồm:

- Thu nhập từ bán dầu giảm 35% so với cùng kì năm ngoái;

- Doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) giảm 19%;

- Thuế xuất nhập khẩu giảm 2% do giảm thuế suất.

Trong các sắc thuế chính, thuế giá trị gia tăng ( VAT ), chiếm 1/3 tổng doanh thu thuế, đã tăng 15% so với cùng kì năm ngoái nhờ tiêu dùng cá nhân tăng và doanh thu thuế thu nhập cá nhân tăng 18% do nở rộng diện chịu thuế.

Bộ Tài chính ước tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm tăng 7% so với cùng kì năm ngoái.

Mặc dù tổng thu tăng, chi ngân sách còn tăng nhanh hơn, chủ yếu do tăng chi thường xuyên. Trong 9 tháng đầu năm tổng chi ngân sách tăng 7,8% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, chi trả nợ (cả gốc và lãi) từ ngân sách nhà nước tăng 12,6% do nghĩa vụ nợ công tăng.

Chi trả nợ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Trong khi đó tỉ trọng chi đầu tư (không kể các khoản chi ngoài ngân sách) trong tổng chi ngân sách giảm xuống còn 15,6% so với 26,5% trong giai đoạn 2011-2014.

Nhận định về triển vọng kinh tế của Việt Nam, World Bank cho rằng: Tuy triển vọng chung là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi. Một là, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây ra nhiều rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Hai là, việc trì hoãn thực hiện thắt chặt tài khóa có thể sẽ tác động tiêu cực đến mức bền vững của nợ công .

Nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh trong vài năm gần đây. Tuy tình hình tài khóa của Việt Nam bị biến động theo chu kì nhưng mức độ thâm hụt lớn đã gây quan ngại về bền vững tài khóa trung hạn và nợ công.

Trong khi tổng nợ công đang nhanh chóng tiến tới mức trần cho phép 65% GDP thì hiện các nhà tài trợ đang dần dần rút khỏi Việt Nam, làm cho nguồn vốn ưu đãi bên ngoài cũng giảm theo. Vì vậy chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng.

Dựa nhiều hơn vào các nguồn vay trong nước sẽ giảm bớt rủi ro tỉ giá nhưng lãi suất vay lại bị tăng và thời hạn vay các khoản nợ công bị rút ngắn. Nguồn vốn dài hạn khá hạn chế, thể hiện thực tế rằng thị trường vốn nội địa chưa phát triển và có ít người tham gia, chủ yếu là các ngân hàng. Vì vậy đảm bảo trả nợ sẽ là một gánh nặng đối với ngân sách.

Theo Tri Thức Trẻ