Bức “tâm thư” của cô bé 12 tuổi lan tỏa thông điệp lễ khai giảng không “bóng bay“

VietTimes -- Vừa qua, bức "tâm thư" của cô bé 12 tuổi Nguyễn Nguyệt Linh gửi đến 40 thầy cô hiệu trưởng ở Hà Nội đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới đã nhận được sự quan tâm của dư luận. 
Học sinh tại Trường THCS Dịch Vọng B (Cầu Giấy). Ảnh: Minh Thúy
Học sinh tại Trường THCS Dịch Vọng B (Cầu Giấy). Ảnh: Minh Thúy

Được biết, Nguyễn Nguyệt Linh là học sinh lớp 5M2, Trường Marie Curie, Hà Nội và em đang chuẩn bị vào học lớp 6. 

Trong bức "tâm thư" gửi đến thầy, cô hiệu trưởng của các trường, em đã bày tỏ mong muốn bảo vệ môi trường, bảo vệ những chú chim và rùa biển thông qua hành động không thả bóng bay trong lễ khai giảng.

"Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển.

Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ. Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết chết ước mơ của bao chú chim và rùa biển" - Nguyệt Linh viết. 

Thông điệp về lễ khai giảng không bóng bay để bảo vệ môi trường sống của những chú chim và rùa biển của Nguyệt Linh đã chạm đến trái tim của rất nhiều người. Trong lễ khai giảng năm học mới, thả bóng bay lên trời luôn là một hoạt không thể thiếu. Hầu như các trường đều thả bóng bay để gửi gắm mong ước của học sinh bước sang năm học mới sẽ học tập tốt, chăm ngoan, nghe lời thầy cô và bố mẹ.

Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta có suy nghĩ rằng bóng bay sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật như thế nào. Bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh không chỉ thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ đến môi trường sống mà còn đánh thức rất nhiều người trong chúng ta về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. 

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ông rất bất ngờ trước ý tưởng tuyệt vời của một học sinh nhỏ tuổi và cho biết việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh đã được ngành Giáo dục hết sức quan tâm.

Hiện nay, học sinh Hà Nội, bằng những việc làm và hành động cụ thể, các em đã biết quan tâm đến thế giới xung quanh, biết giữ gìn môi trường sống từ trong gia đình, nhà trường, khu phố đến nhiệt tình hưởng ứng, tham gia các chương trình nhặt rác, dọn vệ sinh nơi công cộng...

Một số hiệu trưởng trưởng học cho biết sẽ không thả bóng bay trong ngày khai trường, vì trân trọng ý tưởng tốt đẹp của cô học trò nhỏ.

Lá thư của Nguyệt Linh chắc chắn sẽ tạo được sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ để vào ngày 5/9 tới, sẽ có rất nhiều trường không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới.