Bóng đá Thái Lan, thay HLV như “thay áo”

VietTimes -- Kể từ tháng 3 năm 2017 đến nay Thái Lan đã thay 2 HLV đội tuyển quốc gia, 3 HLV đội U23 (HLV Worrawoot Srimaka 2 lần). Nhưng điều này vẫn không thể ngăn chặn đà xuống dốc không phải của bầy “voi chiến” khiến dư luận Thái buồn lòng.
Kể từ tháng 3 năm 2017 đến nay, Thái Lan đã thay 2 HLV đội tuyển quốc gia, 3 HLV đội U23 (HLV Srimaka 2 lần). Ảnh FAT.
Kể từ tháng 3 năm 2017 đến nay, Thái Lan đã thay 2 HLV đội tuyển quốc gia, 3 HLV đội U23 (HLV Srimaka 2 lần). Ảnh FAT.

Quan chức bóng đá Thái Lan luôn tự hào là nền bóng đá số một Đông Nam Á với năm lần vô địch AFF Cup, và 16 lần đoạt HC vàng SEA Games. Thậm chí có tới bốn năm liên tiếp (2014, 2015, 2016, 2017) họ đoạt chức vô địch cả AFF Cup lẫn SEA Games. Nên Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) quan niệm: “Không có thành tích, chỉ có thể là do HLV trưởng kém” và lập tức sa thải.

Người giỏi cũng khóc

Thực thế, Thái Lan đã sa thải rất nhiều HLV cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia, lẫn đội tuyển U23. Từ năm 1998 tới nay, chỉ có 2 HLV tại vị được trong vòng 4 năm là HLV Peter Withe và Kiatisuk. Còn lại đa số các HLV của Thái Lan chỉ nắm đội tuyển quốc gia nước này trong vòng 1-2 năm, có người thậm chí chỉ nắm quyền vài tháng. Trong số các HLV bị sa thải, đa phần là HLV ngoại đến từ các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến Anh, người Đức, Brazil, Serbia…

Kiatisuk là HLV nội khá uy tín với người hâm mộ và giới chuyên môn Thái Lan. Anh được giao nắm cả đội tuyển quốc gia lẫn U23 Thái Lan. Nhưng thành tích bết bát của đội tuyển quốc gia nước này lại vòng loại World Cup 2018 đã khiến anh từ chức. Những người am hiểu còn cho rằng vì những bất đồng với LĐBĐ Thái Lan nên anh bị ép phải từ chức. Nó mở đầu cho giai đoạn bóng đá Thái Lan "trắng tay" ở các giải đấu, thậm chí họ còn không qua nổi vòng loại, tất nhiên các HLV là cái sọt để người ta trút tất cả tức giận vào đấy.

Thi đấu bết bát nên các HLV, cầu thủ Thái Lan liên tục gửi đến NHM lời xin lỗi (ảnh FAT)

Thi đấu bết bát nên các HLV, cầu thủ Thái Lan phải liên tục gửi đến NHM lời xin lỗi (ảnh FAT)

Tiếp quản chiếc ghế do Kiatisuk để lại tại ở Sea Games 29 là HLV tạm quyền Worrawoot Srimaka. Ở giải đấu này, với di sản mà Kiatisuk để lại, Thái Lan đã giành HCV một cách khá thuyết phục nhưng Srimaka vẫn bị thay thế sau đó. Cho rằng, U23 Thái Lan có thể vào sâu vòng chung kết U23 Châu Á 2018 tại Trunng Quốc, FAT đẩy Worrawoot Srimaka xuống làm trợ lý và bổ nhiệm HLV Zoran Jankovic, một HLV tên tuổi vào vị trí HLV trưởng. Kết quả U23 Thái Lan thảm bại ở Thường Châu với vị trí bét bảng.

Trong khi đó U23 Việt Nam lại có kết quả thứ nhì, khiến dư luận Thái Lan nổi sóng. LĐBĐ Thái Lan lập tức sa thải HLV Zoran Jankovic chỉ sau một thời gian ngắn nắm quyền. Thực ra, báo chí Thái Lan sau này tiết lộ HLV Srimaka biết chắc U23 Thái Lan không thể đi xa nên chủ động xin lui.

Lúc này, ở vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia, LĐBĐ Thái Lan đã bổ nhiệm HLV Milovan Rajevac thay thế Kiatisuk Senamuang. Ban đầu dự định, ông Milovan Rajevac sẽ nắm cả đội tuyển quốc gia và U23 Thái Lan. Tuy nhiên, phút cuối HLV Milovan Rajevac chỉ muốn tập trung cho đội tuyển quốc gia Thái Lan nên LĐBĐ Thái Lan lại "tái bổ nhiệm" HLV Worrawoot Srimaka để dẫn dắt Thái Lan dự ASIAD 18.

Việc Thái Lan chỉ giành vỏn vẹn 2 điểm, trong đó có trận thua Ấn Độ 1-4 và phải về nước sớm, cộng thêm sự phẫn nộ của báo chí và người hâm mộ trong nước, HLV Worrawoot Srimaka đã lập tức bị LĐBĐ Thái Lan đưa lên "đoạn đầu đài".

Sa thải trong vòng 1 nốt nhạc

HLV Milovan Rajeva đã bị sa thải sau trận thua Ấn Độ (ảnh Zing)
HLV Milovan Rajevac đã bị sa thải sau trận thua Ấn Độ (ảnh Zing)

“Khôn ngoan không lại với trời”, chủ động né ASIAD để dành thời gian cho mục tiêu vô địch AFF Cup 2018 nhưng cuối cùng HLV Milovan Rajevac lại thất bại. Tưởng rằng dễ dàng có chức vô địch giải này nên HLV Milovan Rajevac đã thỏa thuận với các CLB không triệu tập các ngôi sao đang thi đấu ở nước ngoài như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda…Ông Milovan Rajevac muốn dồn sức cho Asian Cup. Vì thế ở AFF Cup 2018 Thái Lan đã bị Malaysia loại ở bán kết và Việt Nam đoạt chức vô địch sau 10 năm chờ đợi. Chiếc ghế của HLV Milovan Rajevac lúc này cũng đã lung lay dữ dội nhưng người ta cho ông lấy Asian Cup để “lập công chuộc tội”.

Tới Asian Cup, khi HLV Milovan Rajevac đã có đủ trong tay những cầu thủ tốt nhất, Thái Lan vẫn thi đấu bết bát. Ở trận ra quân, Thái Lan thua thảm Ấn Độ với tỷ số 1-4. Trận thua như giọt nước tràn ly khiến làn sóng phẫn nộ với HLV Milovan Rajevac tăng cao và LĐBĐ Thái Lan lập tức lôi ông ra xử chỉ sau một trận đấu. Trợ lý HLV Sirisak Yodyardthai  được bổ nhiệm tạm thời làm HLV trưởng. Sau khi được bổ nhiệm, ông Sirisak Yodyardthai đã giúp Thái Lan vượt qua vòng bảng nhưng Thái Lan cũng về nước sớm ở vòng 16 đội.

Trong khi đó, ở đội tuyển U23 Thái Lan lúc này, sau khi HLV Worrawoot Srimaka bị sa thải, HLV Alexander Gama được LĐBĐ Thái Lan bổ nhiệm vào vị trí thuyền trưởng. Tại vòng loại U23 Châu Á 2020 được tổ chức tại Việt Nam, Thái Lan dù đã có vé tham dự với tư cách chủ nhà nhưng vẫn muốn "phá bĩnh" Việt Nam cho hả giận. Kết cục, U23 Thái Lan thua mất mặt 0-4 trước đội chủ nhà. Đây cũng là trận thua đậm nhất trong lịch sử bóng đá Thái Lan trước Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại. Sau giải đấu này, vị trí thuyền trưởng của HLV Alexander Gama cũng lung lay dữ dội.

4 ngày, 3 trận thua

Người hâm mộ Thái Lan đang ngày đêm yêu cầu FAT phải đưa Kiatisuk trở lại bằng mọi giá (ảnh FAT)

Người hâm mộ Thái Lan đang ngày đêm yêu cầu FAT phải đưa Kiatisuk trở lại bằng mọi giá (ảnh FAT)

Đến King's Cup 2019, đội tuyển Thái Lan dưới sự dẫn dắt của HLV tạm quyền Sirisak Yodyardthai được kỳ vọng sẽ hạ gục được các đối thủ để cắt được chuỗi thành tích tệ hại suốt 2 năm qua. FAT đã cất công mời Ấn Độ, Việt Nam là những đối thủ của bóng đá Thái Lan hòng “vớt vát danh danh dự”.

Nhưng rốt cuộc đây lại là giải đấu bẽ bàng nhất trong lịch sử King's Cup của người Thái khi đội chủ nhà xếp ở vị trí cuối cùng. Sức ép lúc này không chỉ dành cho HLV tạm quyền Sirisak Yodyardthai mà còn cho cả chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot. Báo chí và người hâm mộ Thái Lan đang ngày đêm yêu cầu FAT phải đưa Kiatisuk trở lại bằng mọi giá.

Ngay sau thất bại muối mặt ở King's Cup của đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23 Thái Lan cũng thua trận 0-1 tại Giải Merlions Cup 2019 ở Singapore trong trận chung kết trước đội chủ nhà. Kết quả này rõ ràng càng khiến người hâm mộ và báo chí Thái Lan nóng mắt khi Sea Games và vòng chung kết U23 Châu Á đã tới gần. Trong khi đó, theo báo chí Thái Lan, HLV Alexander Gama đã chuẩn bị sẵn đơn từ chức khi trở về từ Singapore.

U23 Thái Lan (trắng) thất bại 0-1 trước Singapore ở chung kết Merlion Cup 2019. Ảnh: FAT.

U23 Thái Lan (trắng) thất bại 0-1 trước Singapore ở chung kết Merlion Cup 2019. Ảnh: FAT.

Tính ra, trong vòng 4 ngày, bóng đá Thái Lan đã nhận đến 3 thất bại từ ĐTQG cho tới U23. Đầu tiên là 2 trận thua trước ĐT Việt Nam và Ấn Độ ở King’s Cup 2019 của ĐTQG. Tiếp đến, U23 Thái Lan cũng bị U23 Singapore “quật ngã” 1-0 trong trận chung kết Merlion Cup hôm 9.6. Cả hai đội đều không thể ghi nổi bàn thắng nào, mang đến sự thất vọng cùng cực cho người hâm mộ bóng đá xứ Chùa vàng.

Chỉ trong vòng thời gian ngắn, đã có 2 HLV đội tuyển quốc gia, 3 HLV đội U23 (HLV Srimaka 2 lần) đã bị bay khỏi chiếc ghế nóng. Và thời điểm hiện tại cả 2 đội tuyển đều trống người cầm đội và không nhiều "ứng viên" dám ngồi vào chiếc ghế nóng HLV trưởng lúc này. Dư luận cho rằng khi “voi chiến” thành “voi bệnh” thì không chỉ thay HLV là đủ, mọi cái đích đều ngắm đến Chủ tịch FAT Somyot.