Bộ Y tế chỉ đạo 4 trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM khẩn trương nhận bệnh nhân COVID-19 nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiều nay, ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đi kiểm tra tiến độ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn TP. HCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra tiến độ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 (Ảnh - Khôi Nguyễn)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra tiến độ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 (Ảnh - Khôi Nguyễn)

Xây dựng thêm trung tâm hồi sức tích cực 500 giường

Sau khi kiểm tra trực tiếp tại Bệnh viện Quốc tế Thành phố (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Mục tiêu hàng đầu hiện nay là giảm tử vong cho người bệnh, nhưng hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, Bộ Y tế đã huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia chống dịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân”.

“Bộ Y tế mong Bệnh viện phối hợp chặt chẽ để cùng Bộ Y tế thiết lập trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 500 giường, do Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM đảm nhiệm chuyên môn. Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản lý và sẽ cử chuyên gia đến đây, nhân lực điều dưỡng và phục vụ sẽ huy động tại chỗ” – ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp kiểm tra tiến độ thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (Ảnh - Khôi Nguyễn)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp kiểm tra tiến độ thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (Ảnh - Khôi Nguyễn)

Bộ trưởng yêu cầu ngay trong chiều 1/8 Bệnh viện phải bàn giao mặt bằng và giường bệnh có đầu nối oxy, máy thở ở tầng 3 với quy mô từ 50-70 giường bệnh để các chuyên gia thiết lập ngay, phục vụ điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng từ sáng mai, ngày 2/8.

Đối với khu vực tầng 6 và 7 của Bệnh viện sẽ được thiết lập dần dần, trong 5 ngày nâng quy mô lên thành 200 giường. Sau đó, nâng tiếp quy mô đạt 500 giường. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã cấp ngay 50 máy thở từ kho dự trữ cho Trung tâm này.

Bệnh viện Quốc tế Thành phố sẽ tách ra làm 2 khu vực riêng biệt: Khu khám, chữa bệnh bình thường của Bệnh viện (do Bệnh viện đảm nhiệm) và trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 do Bộ Y tế đảm nhiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ở thời khắc khẩn cấp này, Thành phố biết ơn nhà đầu tư và Bệnh viện đã đồng lòng, chung sức cùng thành phố chống dịch.

Chuyển bệnh nhân COVID-19 rất nặng đến trung tâm hồi sức tích cực do BV Bạch Mai phụ trách

Sau khi làm việc tại Bệnh viện Quốc tế Thành phố, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đến Bệnh viện dã chiến số 16 - nơi Bệnh viện Bạch Mai đang điều hành.

TS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị gần 300 bệnh nhân COVID-19.

Hiện, các chuyên gia hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn,…của Bệnh viện Bạch Mai đang nỗ lực cùng đội ngũ y tế có sẵn tại đây khẩn trương thiết lập trung tâm hồi sức tích cực 500 giường và cứ có máy thở là điều trị bệnh nhân nặng ngay. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tính từ thời điểm này, trong 48 tiếng, khu điều trị hồi sức phải được thiết lập xong.

Cùng với trang thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai chuyển từ Bắc Giang vào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ở phía Nam cấp ngay 100 máy thở chức năng cao và 100 máy thở HFNC cho Bệnh viện. Ngay ngày mai (2/8) máy thở của Bộ Y tế sẽ đến nơi.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra, trao đổi về tiến độ thiết lập trung tâm hồi sức (Ảnh - Khôi Nguyễn)
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra, trao đổi về tiến độ thiết lập trung tâm hồi sức (Ảnh - Khôi Nguyễn)

Tại Bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các chuyên gia phải thiết lập ít nhất 20 giường điều trị sản khoa để phòng tình huống có bệnh nhân là sản phụ điều trị đến thai kỳ sinh nở.

Về nhân lực y tế, Bộ trưởng giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ trên nhu cầu của Bệnh viện để điều phối phù hợp. Hiện, BV dã chiến số 16 đang thiết lập 2.300 giường điều trị, trong trường hợp cần thiết có thể nâng lên quy mô 3.000 giường. Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện phải phân tầng điều trị, trong đó dành riêng 500 giường cấp cứu, 500 giường hồi sức tích cực.

"Bệnh viện tuyệt đối không để bệnh nhân nhẹ hơn chiếm giường điều trị của bệnh nhân nặng, theo dõi sức khỏe bệnh nhân liên tục để chuyển tầng điều trị phù hợp" – ông Long nhấn mạnh.

2 trung tâm hồi sức tích cực của BV Việt Đức và BV Trung ương Huế tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 5/8

Ngay trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra tiến độ thiết lập trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 13 (do Bệnh viện Việt Đức đảm nhiệm) và trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 11 (do Bệnh viện Trung ương Huế đảm nhiệm).

Tại Bệnh viện, Bí thư Thành uỷ và Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan cùng 2 Bệnh viện thực hiện theo phương thức “cuốn chiếu”, thiết lập đến đâu, đưa vào sử dụng đến đó.

Dự kiến vào ngày 5/8, cả 2 Trung tâm hồi sức tích cực sẽ nhận bệnh nhân nặng, bước đầu 200 giường. Sau đó sẽ bổ sung đủ 500 giường.

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP. HCM chỉ thực hiện lọc máu và thở máy, bệnh nhân nào cần can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) sẽ được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị (Ảnh - Khôi Nguyễn)

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP. HCM chỉ thực hiện lọc máu và thở máy, bệnh nhân nào cần can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) sẽ được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị (Ảnh - Khôi Nguyễn)

Cũng trong chiều 1/8, Bí thư Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã thăm và động viên các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP. HCM (tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy đảm nhiệm, hiện đang điều trị hơn 500 bệnh nhân COVID-19.

Bộ trưởng lưu ý tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP. HCM chỉ thực hiện lọc máu và thở máy, bệnh nhân nào cần can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) sẽ được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

TS. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: “Ngoài 6 nhóm hội chẩn thường trực 24/24 qua viber, mỗi ngày “team điều trị” của Bệnh viện sẽ hội chẩn điều trị theo 2 khung giờ 9h sáng và 3h chiều. “BV sẽ nỗ lực cố gắng hết khả năng để điều trị bệnh nhân”.

Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu các bộ phận liên quan của thành phố phụ trách những nội dung liên quan đến việc thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực này cần tinh giản ngay thủ tục hành chính, tích cực nhất, thiếu gì thì bổ sung nhanh nhất để các trung tâm đón nhận ngay bệnh nhân nặng, rất nặng vào điều trị.

"Chúng ta tranh thủ từng giờ từng phút làm thế nào để có nơi điều trị cho bệnh nhân nặng, hạn chế người bệnh tử vong. Chúng ta phải cứu người trước” – ông Nên nhấn mạnh.