"Quốc hội đã cho phép áp dụng trở lại hình thức xử tử hình, bộ luật được thông qua bởi các đại diện lưỡng viện và được Tổng thống ký kết" - Tổng chưởng lý Bill Barr cho biết - "Bộ Tư pháp tuân thủ quy định của pháp luật, và thực thi bản án mà hệ thống pháp lý đưa ra".
Vụ xử tử gần đây nhất mà Mỹ thực hiện là vào năm 2003. Kể từ sau đó, các vụ kiện tụng kéo dài liên quan tới việc xử tử bằng cách tiêm thuộc độc đã khiến cho Chính phủ Mỹ không thể tiếp tục hình thức tử hình này - theo giới chức Bộ Tư pháp. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi áp dụng trở lại bản án tử hình đối với những kẻ buôn lậu ma túy và xả súng hàng loạt. Bộ Tư pháp Mỹ kể từ đó nỗ lực làm việc để đưa trở lại hình thức tử hình.
Cựu Tổng chưởng lý Jeff Sessions từng chỉ thị cho Cục Trại giam liên bang (FBP) vạch ra các bước đi cần thiết để áp dụng trở lại án tử. Vào tháng 3/2018, ông Sessions cũng kêu gọi các công tố liên bang đưa ra hình thức tử hình trong các vụ xét xử các tay trùm buôn bán ma túy, như một chiến lược ngăn chặn cuộc khủng hoảng ma túy ở Mỹ.
Sự ủng hộ của dư luận Mỹ đối với hình thức tử hình đã giảm liên tục từ những năm 1990 - theo các lá phiếu thăm dò - và mọi quốc gia ở EU cũng đã hủy mức án này trong hệ thống tư pháp của họ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cho rằng án tử không nên được áp dụng ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Hiện nay, việc áp dụng trở lại và cách thực thi bản án tử hình đang gây chia rẽ sâu sắc trong Tòa án Tối cao của Mỹ. Một số vị thẩm phán có quan điểm tự do đặt ra nhiều quan ngại về việc xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, đa số các vị thẩm phán có tư tưởng bảo thủ của tòa án này - 2 trong số đó được chỉ định bởi ông Trump - cho rằng áp dụng án tử không vi phạm Hiến pháp Mỹ.
5 bản án tử hình
Hiện có khoảng 62 tù nhân đang chịu mức án tử hình ở nước Mỹ, trong số này có Dzhokhar Tsanaev - kẻ thực hiện vụ đánh bom đẫm máu tại sự kiện marathon ở Boston vào năm 2013.
Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng họ đã lên kế hoạch thực hiện 5 bản án tử hình đối với 5 phạm nhân với các tội danh giết người man rợ và các tội về tấn công tình dục, và còn thực thi thêm nhiều bản án tử hình trong tương lai. Tất cả 5 trường hợp nêu trên đều sẽ bị xử tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, với một liều độc dược duy nhất - Pentobarbital.
Kể từ năm 23010, 14 bang của nước Mỹ đã chuyển sang sử dụng Pentobarbital để thực hiện trên 200 bản án tử hình, do họ không thể có được đủ lượng hóa chất cần thiết để xử tử bằng hỗn hợp "drug cocktail".
Được biết, trong số các tù nhân sắp bị xử tử có Daniel Lewis Lee, kẻ tôn sùng thuyết da trắng thượng đẳng từng ám sát cả một gia đình gồm 3 người, trong đó có một bé gái 8 tuổi. Một kẻ khác trong số này là Lezmond Mitchell, bị kết án ở Arizona vì đâm chết một người phụ nữ 63 tuổi và bắt người cháu phải ngồi gần thi thể bất động của bà suốt hành trình bằng xe hơi, trước khi giết cô bé này.
3 kẻ còn lại cũng bị xử tử là Wesley Ira Purkey - kẻ tội phạm cưỡng hiếp và giết hại một nữ thiếu niên - Alfred Bourgeois - kẻ sát hại chính người con gái của gã - và Dustin Lee Honken - tội phạm xả súng giết hại 5 người. Lee sẽ là phạm nhân đầu tiên được thi hành án tử, dự kiến vào ngày 9/12 tới.
Theo Channel News Asia