Bộ TT&TT sắp lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật hành chính công

VietTimes -- Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản về việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật hành chính công. Dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức trong tháng 7/2017 tại trụ sở của Bộ TT&TT.
Trụ sở Bộ Thông tin và truyền thông.
Trụ sở Bộ Thông tin và truyền thông.

Hội nghị nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ trong việc đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật hành chính công; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức đối với việc xây dựng Luật hành chính công.

Vụ Pháp chế sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ với các hình thức thích hợp, rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm.

Về nội dung, Hội nghị sẽ giới thiệu quá trình xây dựng và nội dung dự thảo Luật Hành chính công, đồng thời nghe báo cáo việc đánh giá quá trình thi hành đánh giá tình hình thực hiện pháp luật hành chính công của Bộ Thông tin và Truyền thông từ năm 2011 đến nay.

Sau đó, hội nghị sẽ tiến hành lấy ý kiến cán bộ, công chức viên chức các đơn vị thuộc Bộ về dự thảo Luật hành chính công.

Quan trọng nhất, Hội nghị sẽ tập trung góp ý sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực thông tin và truyền thông và những vấn đề cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc bộ quan tâm, cụ thể như: Dịch vụ hành chính công, thủ tục hành chính, kiểm soát hành chính công, nguồn lực công.

Trước đó, ngày 27/5 vừa qua, thảo luận tại Hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, hoạt động lập pháp cần quan tâm đến vấn đề khoa học về tổ chức, quản lý. Từ đó đại biểu đã đề xuất cần thiết phải xây dựng Luật hành chính công.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, hàng trăm, hàng nghìn công trình đề tài của những nhà khoa học, hàng trăm, hàng nghìn sáng kiến của những nhà khoa học không chuyên đã và đang âm thầm góp phần làm đổi thay đất nước.; từng bước đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mang lại niềm tin cho nhân dân và bạn bè quốc tế.

Trong lĩnh vực lập pháp, lần đầu tiên trong 13 Khóa, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, có cơ chế để khích lệ các vị đại biểu Quốc hội mạnh dạn trình các sáng kiến luật. Điều đó thể hiện rõ rệt tính dân chủ ngày càng được tăng cường ngay trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Việc quản lý hành chính chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không có một đạo luật nào quy định nên mỗi người quản lý một kiểuĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng việc quản lý hành chính chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không có một đạo luật nào quy định nên mỗi người quản lý một kiểu.

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho biết, nhiều chuyên gia cho rằng từ trước đến nay khoa học về tổ chức quản lý chưa được sự quan tâm nhiều của các nhà hoạch định chính sách. Từ đó dẫn đến tình trạng "sinh con rồi mới sinh cha".

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, hoạt động lập pháp cần phải quan tâm đến vấn đề khoa học về tổ chức, về quản lý và hành chính công. Đây là đòi hỏi mệnh lệnh từ thực tiễn cuộc sống, là đề xuất từ tâm tư, nguyện vọng của người dân, là đề xuất của người đại biểu nhân dân.

Theo đó, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề xuất bổ sung dự thảo Luật hành chính công hoặc quản trị công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 10 và 11.

Đại biểu cũng cho rằng, dự luật sẽ góp phần vào việc hạn chế, khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên. Góp phần đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành trong thời gian tới. Đáp ứng chủ trương xây dựng nền hành chính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân.