Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng nguyên nhân của những tồn tại của các nông, lâm nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa quản lý tốt về chính sách, bên cạnh đó bản thân các nông, lâm trường cũng yếu kém về năng lực quản lý.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều nông, lâm trường có đất nhưng để hoang hóa trong khi người dân lại không có đất để canh tác sản xuất. Đây là nguồn gốc của những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân và các nông, lâm trường. Có những mâu thuẫn kéo dài hàng chục năm chưa được giải quyết.
Trước vấn đề này, các đại biểu đều kiến nghị, phải rà soát diện tích đất từng nông, lâm trường, đánh giá kết quả sử dụng đất. Trên cơ sở đó giao đất cho nông, lâm trường và ưu tiên giao thêm đất cho người dân để ổn định sản xuất.
Các đại biểu cũng cho biết, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị quyết quản lý về nông, lâm trường để tránh tình trạng hàng triệu ha đất sử dụng không hiệu quả như hiện nay. Đồng thời, đối với những hộ dân sử dụng đất nông, lâm trường hiệu quả, lâu dài từ năm 1993 trở về trước, các đại biểu cũng kiến nghị giảm tiền sử dụng đất cho các trường hợp này.
Trước những ý kiến của các đại biểu trong buổi thảo luận, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho biết: "Nhiều đại biểu quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất, nhiều nông lâm trường có đóng góp rất quan trọng, một số Lâm nông trường như Tập đoàn Cao Su hàng năm có sản lượng cao hơn bình quân của cả nước. Chính nhờ các nông trường chúng ta mới hình thành được ngành cao su, cà phê. Các nông trường đã hình thành ngành chè ở Miền Bắc, nhiều nông trường nòng cốt bảo vệ rừng, phát triển an ninh xã hội ".
Tại buổi thảo luận Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang cũng thừa nhận, thực tế sau 10 năm việc giao đất và sử dụng đất cho các nông lâm trường kết quả đạt được rất thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng thẳng thắn thừa nhận, trách nhiệm này một phần thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh đó các địa phương cũng có một phần trách nhiệm. "Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận khuyết điểm chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn khi Luật đất đai thay đổi, chưa tổ chức thanh tra hết tất cả các đơn vị nông, lâm trường, thiếu quan tâm trong công tác quản lý đất nông, lâm trường dẫn đến các vụ khiếu kiện đất đai kéo dài", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong đó việc đất đai không được đo đạc, hồ sơ đất đai chưa được lập, việc xác định ranh giới giữa các công ty lâm nghiệp chưa được rõ ràng... là một trong những nguyên nhân chính. Tuy nhiên, về vấn đề này thì bản thân các nông, lâm trường cũng không thể lo liệu được vì kinh phí đo đạc rất lớn.
"Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện khi đất đã được đo đạc để lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới, cắm mốc. Thực tế, việc đo đạc hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, thiếu kinh phí để tiến hành. Đề nghị chính phủ hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng để có thể sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho các nông, lâm trường", Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết.
Theo Trí thức trẻ