Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ TT&TT phải tìm cách tiếp cận mới để việc khó sẽ dễ đi, dễ làm và hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ mới để giải quyết những vấn đề của đơn vị mình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ, làm tường minh các mục tiêu, hạ tầng, nền tảng, ứng dụng của Chính phủ điện tử (CPĐT) và Chính phủ số (CPS); các Sở TT&TT và các Cục CNTT các Bộ/ngành theo đây để làm, nhằm đạt được mục tiêu, thống nhất cách hiểu về CPĐT và CPS đã được tường minh hóa thành những việc rất cụ thể, những chỉ tiêu rất dễ đo lường, dễ hiểu, dễ làm theo kế hoạch đề ra.
Bộ TT&TT đã giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tổ chức một hội nghị quán triệt, trao đổi, giải thích và làm rõ thêm để thống nhất nhận thức các việc phải làm và cách làm CPĐT và CPS trong thời gian tới.
Về việc thực hiện mục tiêu 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: "Phải thúc đẩy và triển khai 100% DVC trực tuyến mức độ 4 có đủ điều kiện và các DVC trực tuyến này nếu có phát sinh hồ sơ offline thì phải có hồ sơ online, tức là dịch vụ công trực tuyến lên phải có người dùng, phải xem lại quy trình có phù hợp không và sau 1 năm sau lên online thì ít nhất phải đạt tỷ lệ 30% người dùng, có hồ sơ phát sinh".
"Các Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, vì khi hoàn thành mục tiêu này thì coi như hoàn thành nhiệm vụ CPĐT để bắt tay vào triển khai mạnh mẽ CPS. Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cần có đánh giá về mối quan hệ giữa Cổng DVC trực tuyến và Trung tâm một cửa trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; tháng 6 này tổ chức đánh giá, có kết luận để xem hướng phát triển tiếp theo như thế nào", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn cho chuyển đổi số quốc gia, người đứng đầu ngành TT&TT nêu rõ: "Chuyển đổi số (CĐS) có nhiều việc giống nhau, có thể sao chép từ nơi này sang nơi kia, nhất là khi chúng ta dùng nền tảng; xong ở tỉnh này sẽ chỉ cần khai báo cho tỉnh kia. Do vậy, Cục Tin học hóa nên giao cho mỗi Bộ, ngành, địa phương một việc thuộc nhóm việc sau này có thể mở rộng ra toàn quốc".
Khi đề cập vai trò của công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng công nghệ sinh ra phải mang lại lợi ích cho cho cộng đồng, đồng thời Bộ trưởng lưu ý về công nghệ phải dễ dùng, thuận tiện, bảo vệ dữ liệu của người dùng. Dữ liệu phải tập trung và liên thông, phân tích dữ liệu lớn, một đầu mối chỉ đạo, hỗ trợ thiết thực cho các địa phương. Tăng cường thuyết phục cho người dân hiểu và tự giác làm, tự giác dùng, không lạm dụng các biện pháp hành chính.
Bộ trưởng chỉ đạo: "Công nghệ phải hướng vào các khâu phòng chống dịch, sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ TT&TT hướng vào người dân sẽ là yếu tố đảm bảo thành công. Công nghệ phải đi suốt từ khâu khai báo y tế, nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly, tiêm vắc xin. Thậm chí là các giải pháp công nghệ đo lường, cảnh báo về môi trường làm việc thông thoáng, giảm nguy cơ lây nhiễm. Công nghệ chỉ có thể hoàn thiện khi được đưa vào sử dụng, càng dùng nhiều thì càng thông minh, càng hiệu quả".
Bộ trưởng cũng lưu ý, công nghệ thì nhiều nhưng không được gây rối cho người dân, tức là phải tích hợp lại qua một cổng duy nhất, dù là sức khỏe nói chung hay chống dịch; dù là khai báo y tế ở cửa khẩu hay khai báo y tế khi đi từ nơi khác về, chỉ phải làm một lần. Việc thành lập Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cũng nhằm mục đích đó. Công nghệ không phải vì công nghệ, mà công nghệ phải mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng và giá trị mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra.
"Công nghệ số phải làm cho người dân làm chủ dữ liệu của mình, tất cả ngành chúng ta phải nhận thức sâu sắc việc này và lấy đây làm kim chỉ nam để phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.