Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 5 lĩnh vực công nghệ nổi bật mà Viettel cần đẩy mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ ra 5 lĩnh vực sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025 và đến 2030 sẽ vượt xa viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý đây sẽ là các không gian tăng trưởng chính của Viettel 10 năm tới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với Viettel.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với Viettel.

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - người đã có khoảng 30 năm gắn bó và cống hiến tại Viettel - đã chia sẻ về các lĩnh vực, các không gian mới mang lại cơ hội cho Viettel tăng trưởng 5-6 lần trong vòng 10 năm tới. "Viettel đã từng có giai đoạn tăng trưởng 8 lần trong vòng 5 năm, đó là giai đoạn 2004-2009. Nếu Viettel chỉ làm được một lần như vậy trong sự nghiệp của mình thì có nghĩa là Viettel chỉ có quá khứ mà không có tương lai" - Bộ trưởng Hùng bày tỏ.

Thứ nhất là điện toán đám mây. Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng điện toán đám mây sẽ là hạ tầng chính của hạ tầng số, với tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Hạ tầng điện toán đám mây sẽ quyết định việc dữ liệu Việt Nam sẽ được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam. Đầu tư của Viettel vào điện toán đám mây (Cloud) phải tương đương với đầu tư viễn thông, nhưng hiện nay mới bằng 5% viễn thông.

Dẫn thông tin thời sự việc tập đoàn Công nghệ CMC vừa khánh thành một Cloud lớn nhất Việt Nam với dung lượng 6M máy tính ảo, gấp 3 lần Cloud lớn nhất của Viettel tại Hoà Lạc, Bộ trưởng Hùng cho rằng để xứng đáng là một doanh nghiệp hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, Viettel phải đầu tư những Cloud với dung lượng lớn 15-20 triệu máy tính ảo.

Thứ hai là các nền tảng số. Đây là một loại hạ tầng mới - hạ tầng số trên không gian mạng. Nền tảng số bao gồm cả nền tảng cung cấp công nghệ như dịch vụ. Việt Nam chọn phát triển các nền tảng số Việt Nam là giải pháp đột phá để chuyển đổi số Việt Nam.

Thứ ba là thương mại điện tử. Trọng tâm là dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics và sàn nông sản. Tăng trưởng ở đây là trên 30%/năm. Thương mại điện tử có thể chiếm tới 1/4 doanh số bán lẻ toàn quốc trong những năm tới.

Thứ tư là nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Nó bao gồm thiết bị hạ tầng viễn thông, IoT, thiết bị y tế, thiết bị năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời) và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Thứ năm là công nghiệp và dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng thì giống như công nghiệp quốc phòng trong thế giới thực. Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải nhờ vào sự thịnh vượng trên không gian mạng, đó là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và sự thịnh vượng đó phải được bảo vệ. Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 20-25%/năm thì an toàn, an ninh mạng cũng sẽ tăng trưởng tương đương.

Trao đổi với những người đồng nghiệp cũ tại Tập đoàn Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, tổ chức nào cũng vậy, muốn đi xa, muốn ngày mai huy hoàng hơn ngày hôm qua thì phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Cái cần kế thừa là truyền thống, là văn hoá, là tinh thần, là giá trị cốt lõi và là triết lý phát triển của Viettel. Mở ra tương lai là mở ra các không gian phát triển mới.

"Quá khứ huy hoàng có thể là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một nền tảng tốt cho những giấc mơ lớn hơn. Nhưng điểm mấu chốt là giấc mơ phải lớn hơn" - Bộ trưởng Hùng nói thêm.