Bộ trưởng KHĐT: Một số người cố tình đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ với Trung Quốc

VietTimes – “Dự thảo (Luật Đặc khu - PV) không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc. Chẳng qua một số người cố tình hiểu theo hướng đó, đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc” - Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói. Ảnh: Zing
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói. Ảnh: Zing

Bộ trưởng Dũng đã phát biểu như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) bên hành lang Quốc hội sáng 6/6.

Trước đó, đã có rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, thậm chí hình thành “làn sóng” dư luận phản đối đề xuất có thể cho thuê đất tới 99 năm tại dự thảo luật này.

Phần đông ý kiến lo ngại cho rằng nếu thời hạn cho thuê đất tại dự thảo luật này được Quốc hội thông qua sẽ “mở cửa” cho doanh nghiệp Trung Quốc, người Trung Quốc sang thuê đất tại đặc khu, tiềm ẩn những vấn đề về an ninh, quốc phòng.

Việc hỏi của phóng viên và ý kiến trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng nay cũng xoay quanh chủ đề này.

Theo bộ trưởng Dũng, dự thảo Luật Đặc khu không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, đã có “một số người cố tình hiểu theo hướng đó, đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc”

Làm rõ vấn đề này, Luật Đặc khu đã được thiết kế, soạn thảo để đảm bảo sự bình đẳng trong môi trường chung, bình đẳng giữa tất cả thành phần kinh tế, giữa các nước trong môi trường hội nhập quốc tế.

Ông Dũng nhấn mạnh vào việc “mọi người hiện đang hiểu sai, có người cố tình đẩy câu chuyện đi xa”, và tâm lý “sợ Trung Quốc thế này, thế kia”. Ông cho biết “còn có những người cố tình đẩy câu chuyện này lên để phá hoại”, và kêu gọi mọi người cần bình tĩnh xem xét vấn đề này .

“Không ai có thể vào đây làm việc gì trong chủ quyền đất nước ta cả” – Bộ trưởng Dũng cam kết.

Theo bộ trưởng, nếu mô hình Trung Quốc hay thì Việt Nam “cũng phải học, không câu nệ ai”. Bộ trưởng đặt câu hỏi “Chúng ta là nước độc lập, có chủ quyền, có tư duy, trí tuệ, sao cái gì cũng sợ?”, và cảnh báo “nhiều nước không muốn mình phát triển, không muốn mình đổi mới, cải cách. Hãy nhớ điều đó”.

Về đề xuất cho thuê đất tới 99 năm, Bộ trưởng Dũng cho biết phương án cụ thể như thế nào sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Theo Bộ trưởng, việc cho thuê đất cần phải “thiết kế chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thật đặc biệt, thế nào mới được phép”. Đồng thời, quy trình phải chặt chẽ, thẩm quyền quyết định có thể đưa lên Quốc hội quyết.

Bộ trưởng cho biết, Luật Đặc khu đã chú trọng thiết kế về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. trong 85 điều của dự thảo thì có tới 25 điều điều chỉnh thể chế, môi trường kinh doanh.

“Ưu đãi phải có, nhưng ở mức hợp lý, đã điều chỉnh giảm rất nhiều từ kỳ họp thứ 4 sang kỳ họp thứ 5, hiện nay gần như không có gì nữa rồi. Hiện, dự thảo luật thiết kế theo hướng tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, bình đẳng” – Bộ trưởng cho biết về tình hình chỉnh sửa sự án luật này.

Về lo ngại an ninh quốc phòng khi cho thuê đất tại các đặc khu kinh tế, bộ trưởng Dũng khẵng định điều này đã được đảm bảo khi thiết kế luật. Cụ thể thì nguyên tắc số một khi thiết kế luật này là không ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường, người dân.

Nguyên tắc đầu tiên, cơ bản và quan trọng bậc nhất khi thiết kế luật này là không được cao hơn Hiến pháp, và không ảnh hưởng 4 yếu tố trên.

Giải thích rõ hơn, bộ trưởng Dũng cho biết các dự án trong đặc khu kinh tế phải nằm trong quy hoạch. Các quy hoạch đó không được xâm phạm tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân, chủ quyền. Dự án phải có mục tiêu và ta quản theo dự án, quy hoạch, mục tiêu nên không sợ gì.

“Họ làm sai quy hoạch thì ta không cho, sai mục tiêu thì ta không cho. Họ không làm thì ta thu hồi đất. Những điều này đều có luật pháp điều chỉnh. Chúng ta không có điều khoản nào nói là đánh đổi. Thận trọng là đúng, nhưng tinh thần luật không phải vậy, nên dư luận không nên nghĩ theo chiều hướng này” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về cảnh báo kéo dài thời gian cho thuê đất sẽ tạo nguy cơ nước ngoài di dân tới các đặc khu, Bộ trưởng Dũng trả lời “Luật Nhà ở đã quy định anh không thể di dân, không thể mua đất được. Không phải dễ gì họ di dân sang”.