Bộ trưởng Bộ Y tế: Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy thực hiện nhiệm vụ trong ngành y

VietTimes – Để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy khi thực hiện nhiệm vụ, "có cả vướng mắc liên quan đến xây dựng chính sách lẫn vướng mắc liên quan đến tổ chức thực hiện", theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: VGP)

Tại cuộc Tọa đàm - trao đổi về truyền thông y tế, do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 14/6, nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thẳng thắn chia sẻ nhiều vấn đề “nóng” của ngành y tế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan mạnh dạn đề cập đến một vấn đề đang được nhắc nhiều đến là việc né tránh, đùn đẩy trong thực hiện nhiệm vụ.

Sau những vụ việc vi phạm xảy ra ở ngành y tế, cũng xuất hiện tình trạng này. Tất nhiên, "chính sách không rõ ràng, anh em không có căn cứ làm việc, đó là trách nhiệm của các cơ quan ban hành. Nhưng có những nơi, chính sách rõ ràng, vẫn có bệnh viện này làm tốt, bệnh viện kia không làm", theo Bộ trưởng, “rõ ràng là có cả vướng mắc liên quan đến xây dựng chính sách, có cả vướng mắc liên quan đến vấn đề tổ chức thực hiện”.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng trách nhiệm này thuộc về tất cả, từ các cơ quan, ban, ngành Trung ương đến địa phương, và tất cả các cơ sở y tế đều phải thực hiện nhiệm vụ này. Đối với các vấn đề như thẩm định giá, sự tham gia của Sở Tài chính cần được đảm bảo, còn đối với dự án, Sở Kế hoạch - Đầu tư phải vào cuộc đồng bộ. Cần có sự đồng lòng và sự giải quyết từ các cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ, ngành để chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo. Với trách nhiệm đó, Bộ Y tế đã tiến hành chỉ đạo một cách quyết liệt.

"Không có hiện tượng Bộ Y tế đùn đẩy xuống địa phương, hay căn bệnh sợ trách nhiệm lan từ Bộ Y tế. Ai đùn đẩy chúng tôi không biết, nhưng chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, tất cả những cái việc chúng ta làm là thực hiện theo các quy định. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã rất cố gắng!", Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.

Đặc biệt, vấn đề thể chế được người đứng đầu ngành y tế đặc biệt quan tâm: “Nếu thể chế đầy đủ, kịp thời, những khó khăn sẽ được giải quyết tốt hơn”, bà Lan nói.

ảnh QH.vn.jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (ảnh: Quochoi.vn)

Vì thế, trong nỗ lực của ngành y tế vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, một trong những điểm quan trọng là Bộ Y tế đã tích cực hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, rà soát những vấn đề chưa đáp ứng yêu cầu, để giải quyết một cách nhanh nhất, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, ngành y tế luôn coi công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản chính sách về y tế, nhằm bổ sung, hoàn thiện để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển.

Bộ Y tế đã nỗ lực để được Quốc hội thông qua Luật khám, chữa bệnh sửa đổi trong bối cảnh rất khó khăn và hiện đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật rất lớn cũng như hướng dẫn các luật còn nhiều bất cập.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã rà soát các quy định liên quan đến việc thiếu thuốc, trang thiết bị để sửa đổi và được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo, để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đến thời điểm này chưa xử lý dứt điểm các tồn tại vướng mắc trong thực tiễn, Bộ Y tế còn phải đồng hành, sửa thêm các luật khác như Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Luật phòng bệnh, Luật Thiết bị y tế, Luật Dân số, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá và các thông tư liên quan để giải quyết căn cơ nhất những khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc (trong đó có các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung), trang thiết bị y tế … để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới./.