Bỏ tiền tỷ để làm giám khảo Miss Grand International: Cuộc thi hoa hậu có còn công bằng và ý nghĩa?

"Việc một cá nhân hoặc tổ chức trả tiền để trở thành giám khảo cuộc thi sắc đẹp sẽ gây ra nghi ngờ về tính khách quan và sự công bằng của cuộc thi", ông Lê Ngô Hoài Phong nói.
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Văn phòng Luật sư Phong & Parners, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Thời gian qua, công chúng xôn xao trước vụ kiện giữa Công ty CP Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (nguyên đơn) và bị đơn là Công ty CP Quảng cáo thương mại Sen Vàng (Ban tổ chức Miss Grand International – MGI 2023) liên quan tới thỏa thuận hợp tác quảng bá thương hiệu tại cuộc thi hoa hậu Miss Grand International 2023.

Thông tin về vụ kiện được các cơ quan báo chí đưa tin thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ, đặt dấu hỏi về chất lượng của cuộc thi sắc đẹp khi cá nhân, tổ chức bỏ ra một số tiền lớn sẽ nhận được ghế ban giám khảo thông qua “thỏa thuận truyền thông”.

Liên quan tới vụ việc trên, VietTimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Văn phòng Luật sư Phong & Parners, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng để làm rõ góc nhìn pháp lý về tổ chức các cuộc thi hoa hậu hiện nay và việc “mua ghế giám khảo” tại các cuộc thi sắc đẹp.

Công chúng gần đây có nhiều ý kiến xoay quanh vụ Công ty Sen Vàng, Ban tổ chức Miss Grand International 2023 có thỏa thuận tiền tỷ để quảng bá cho Bệnh viện thẩm mỹ Nam An thông qua việc bố trí giám đốc bệnh viện thẩm mỹ ngồi vào ghế Ban giám khảo cuộc thi, ở góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận sự việc này thế nào?

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Nghị định Quy định về Hoạt động Nghệ thuật biểu diễn (Nghị định 144/2020/NĐ-CP) có quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng không quy định về tiêu chuẩn ban giám khảo. Vậy nên, tùy theo tiêu chí từng cuộc thi sẽ có thành phần ban giám khảo khác nhau phù hợp với quy định, tiêu chuẩn mà ban tổ chức cuộc thi đề ra.

Tuy nhiên, việc một công ty hay cá nhân đầu tư một số tiền lớn để trở thành ban giám khảo cuộc thi sắc đẹp có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tính minh bạch và công bằng của một cuộc thi.

Hơn nữa, việc các cá nhân, doanh nghiệp thông qua các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu nói chung hay các cuộc thi, sự kiện khác để quảng bá hình ảnh cho cá nhân, doanh nghiệp mình vốn dĩ không trái pháp luật. Vì như đã nói ở trên, Các cuộc thi này bản chất cũng chỉ là những sân chơi, sự kiện được phép tổ chức sau khi được cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm thẩm quyền.

Việc các đơn vị tài trợ và đơn vị tổ chức thoả thuận các điều khoản về quyền và lợi ích của họ trong giao dịch dựa trên sự tự nguyện cam kết, thoả thuận thì không trái với quy định pháp luật.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không can thiệp hết vào điều kiện tiêu chuẩn của thành viên ban giám khảo khi mà quy định về điều kiện của ban giám khảo chỉ quy định chung chung là có 2/3 thành viên có năng lực chuyên môn về nghệ thuật biểu diễn (Khoản 7 về quy chế chấm giải của Đề án tổ chức cuộc thi, liên hoan do đơn vị tổ chức trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt).

Do đó, đơn vị tổ chức sẽ “Tự cân nhắc” mời những người có uy tín, chuyên môn cao trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, liên hoan làm thành viên ban giám khảo, để kết quả chung cuộc của cuộc thi mang tính thuyết phục và người chiến thắng được lựa chọn đảm bảo là người xuất sắc nhất.

Vì vậy, việc cá nhân, doanh nghiệp với tư cách là người tài trợ cho cuộc thi và “nghiễm nhiên” ngồi vào vị trí ban giám khảo là một việc không có gì mới, lạ và pháp luật cũng không cấm đơn vị tài trợ và đơn vị tổ chức đưa ra thoả thuận này. Còn việc có những tiêu cực trong việc lựa chọn ứng cử viên được cho là xuất sắc nhất cuộc thi cũng là việc khó thể tránh khỏi khi mà các tiêu chí lựa chọn người xuất sắc nhất được đưa ra không còn dựa trên ý chí chủ quan của thành viên ban giám khảo.

Pháp luật không quy định về tiêu chuẩn thành phần ban giám khảo, ông cho cho rằng đây là kẽ hở tạo điều kiện cho tiêu cực có thể xảy ra ở các cuộc thi sắc đẹp?

Khi pháp luật không có quy định thì cũng có nghĩa sẽ là cơ hội cho tiêu cực. Tuy nhiên, khi cuộc thi hướng tiến tới một cuộc thi sạch, công tâm thì chính ban tổ chức phải xem xét, lựa chọn thành phần ban giám khảo để làm sao đảm bảo kết quả được tốt đẹp.

Còn nếu giám khảo không công tâm thì chính ban tổ chức tự hạ thấp giá trị cuộc thi và uy tín của cuộc thi.

Việc trả tiền để được ngồi vào ghế giám khảo cuộc thi hoa hậu sẽ khó tránh khỏi sự thiên vị đối với “thí sinh người nhà”. Vậy theo ông, cuộc thi liệu có còn giá trị và ý nghĩa?

Mục tiêu của các cuộc thi hoa hậu là nhằm tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Việt Nam đồng thời tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Một khi cuộc thi mất đi tính công bằng thì uy tín của cuộc thi cũng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó là làm giảm giá trị và ý nghĩa của các danh hiệu mà nó mang lại cho cả thí sinh và xã hội. Bởi lẽ, hoa hậu là ngôi vị có đầy đủ các tố chất tốt đẹp nhất, hình mẫu người phụ nữ mơ ước và là người có tầm ảnh hưởng, nên nếu không có đủ phẩm chất và trí tuệ mà lại được trao thưởng sẽ gây ảnh hưởng đến một thế hệ trẻ.

Việc một cá nhân hoặc tổ chức trả tiền để trở thành giám khảo trong các cuộc thi sắc đẹp sẽ gây ra nghi ngờ về tính khách quan và sự công bằng của cuộc thi. Điều này có thể dẫn đến sự thiên vị và làm mất đi giá trị cốt lõi của một cuộc thi sắc đẹp, nơi mà kết quả phải dựa trên sự công nhận tài năng, sắc đẹp và sự nỗ lực của thí sinh. Nếu cuộc thi mất đi tính công bằng, thì uy tín của cuộc thi cũng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó là làm giảm giá trị và ý nghĩa của các danh hiệu mà nó mang lại cho cả thí sinh và xã hội.

Vậy theo ông, để đảm bảo tính công bằng cho các cuộc thi, nhất là cuộc thi sắc đẹp mà ở đó, người đoạt ngôi vị cao có sức ảnh hưởng rất lớn thì theo ông cơ quan quản lý cần có quy định, chế tài gì đối với thành viên ban giám khảo?

Để đảm bảo chất lượng các cuộc thi, cơ quan quản lý cần sửa đổi và bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công tác tổ chức hiệu quả. Việc tuyển chọn giám khảo cần phải minh bạch, với tiêu chuẩn cụ thể tập trung vào năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Sau mỗi cuộc thi, cần có đội ngũ hậu kiểm rõ ràng để rà soát kết quả.

Mọi vi phạm trong quy trình tuyển chọn giám khảo cần bị xử lý nghiêm, có thể bằng cách hủy kết quả cuộc thi, hoặc xử phạt hành chính, nhằm duy trì sự công bằng và uy tín cho các cuộc thi sắc đẹp.

Cảm ơn ông!

Theo thông tin từ các cơ quan báo chí, Bệnh viện thẩm mỹ Nam An thỏa thuận hợp tác với Ban tổ chức Miss Grand International 2023 để bà Nguyễn Thị Như Lan - Giám đốc Bệnh viện được làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi, qua đó quảng bá thương hiệu cho đơn vị này.

Trong đó, Công ty Sen Vàng sẽ thực hiện các công việc quảng bá thương hiệu cho Bệnh viện thẩm mỹ Nam An thông qua cuộc thi Miss Grand International 2023 với tư cách là Ban giám khảo cuộc thi. Hai bên thỏa thuận, giá trị của hợp tác này dự kiến là 3 tỷ đồng, cùng một số thỏa thuận khác.