Bỏ thuế quan hàng nghìn mặt hàng Trung Quốc, Nhật

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan được cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng nghìn mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản đã được xoá bỏ.
Trung Quốc có 7845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm tỷ lệ 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Trung Quốc có 7845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm tỷ lệ 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Riêng Trung Quốc, đến năm 2015 có 7845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm tỷ lệ 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Việt Nam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong ACFTA

Theo Bộ Tài chính, thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm, linh hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết cắt giảm về từ 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2020.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 166/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2015 - 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Theo đó, từ 1/1/2015, Việt Nam cắt giảm thêm 3.691 dòng thuế xuống 0% so với năm 2014 (nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% là 7.983 dòng, chiếm 84,11% tổng biểu), tập trung vào các nhóm mặt hàng: chất dẻo và chất dẻo nguyên liệu, đồ nội thất và các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, máy vi tính và các sản phẩm linh kiện điện tử, vải may mặc, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sản phẩm dệt may, và 1 số sản phẩm sắt thép. Thuế suất 2016, 2017 giữ nguyên so với năm 2015.

Từ 1/1/2018, có thêm 588 dòng thuế cắt giảm xuống 0% nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% lên 8.571 dòng, chiếm 90,3% tổng biểu, gồm một số mặt hàng chế phẩm từ thịt, chế phẩm từ rau quả, ngũ cốc, động cơ điện, hàng gia dụng, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, nhựa, cao su, giấy…

Đến năm 2020, có khoảng 475 dòng thuế nhạy cảm được cắt giảm xuống 5% gồm các sản phẩm sắt thép, cáp điện, sản phẩm điện gia dụng; các sản phẩm cao su, gốm sứ, giấy, xi măng, nhựa và các sản phẩm công nghiệp khác; các chế phẩm nông nghiệp đã qua chế biến; một số dòng xe tải và xe chuyên dụng ...

Những dòng duy trì thuế suất cao hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan gồm 456 dòng thuế, gồm: trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải (ô tô, xe máy trừ xe tải 6-10 tấn), xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, một số mặt hàng liên quan đến an ninh quốc phòng.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào  năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, Trung Quốc cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018.

Đến năm 2015, Trung Quốc có 7.845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm tỷ lệ 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Thuế suất trung bình của biểu thuế Trung Quốc dành cho ASEAN giai đoạn 2015-2017 là 0,73%/năm và năm 2018 là 0,56%/năm.

Bộ Tài chính cũng cho biết, một số mặt hàng Trung Quốc còn duy trì thuế suất gồm ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc; cà phê, chè, gia vị; xăng dầu; phân bón các loại; nhựa nguyên liệu; vải may mặc; nguyên liệu dệt may, da giày; động cơ, máy móc thiết bị; ô tô, động cơ, bộ phận phụ tùng của ô tô; đồ nội thất...

Hàng nghìn mặt hàng Nhật Bản cũng xoá thuế quan

Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 8.231 dòng thuế (chiếm 88.6% tổng Biểu) trong vòng 16 năm, gần 100 dòng thuế cắt giảm xuống 5% và khoảng 10% số dòng thuế còn lại cắt giảm một phần thuế suất hoặc không cam kết.

Theo Thông tư số 24/2015/BTC-TT ngày 14/2/2015 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện AJCEP giai đoạn 2015 – 2018 của Bộ Tài chính, năm 2015, có 2.874 số dòng thuế có thuế suất 0% (tương đương với 30% tổng biểu thuế).

Đến năm 2018, Việt Nam kết xoá bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược.

Và đến năm 2025, Việt Nam cam kết xóa bỏ thêm 26,4% số dòng thuế, nâng tổng số dòng thuế về 0% lên 88,6% tổng biểu. Những mặt hàng không cam kết cắt giảm, thuế suất áp dụng sẽ theo mức thuế MFN tại thời điểm hiện hành gồm các mặt hàng ô tô nguyên chiếc, phụ tùng linh kiện, đồ điện gia dụng, sắt thép, máy móc thiết bị…

Cùng với những quy định trên, cam kết cắt giảm thuế của Nhật Bản cho Việt Nam cũng được thực hiện trên nhiều dòng sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, tính tới thời điểm ngày 1/4/2015, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan đối với 923 dòng các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác sẽ được xóa bỏ thuế. Đối với các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam, phần lớn được hương thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, điện thoại, máy vi tính, đồ điện gia dụng, sản phẩm nhựa, giấy...

Đến cuối lộ trình vào năm 2026, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 96,45% tổng số các dòng thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nhóm nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử...

Theo: VnMedia