Bộ Giao thông muốn làm “tiên phong”: Nhưng sẽ “đi đầu” theo cách nào?

VietTimes – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đặt mục tiêu “tiên phong bàn giao trước” 5 tổng công ty trực thuộc về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Báo Giao thông – cơ quan ngôn luận của Bộ này - vừa phát đi thông tin. Nhưng đó là mục tiêu khó, không riêng với Bộ GTVT.
VEC là một trong 5 doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT sẽ bàn giao về CMSC
VEC là một trong 5 doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT sẽ bàn giao về CMSC

Cụ thể, báo Giao thông cho biết chỉ 2 ngày sau khi CMSC ra mắt, Bộ GTVT đã tổ chức buổi làm việc về công tác chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban này quản lý.

Mở đầu cuộc làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu: “Nghị định số 131 nêu rõ, trong vòng 45 ngày phải bàn giao xong. Bộ GTVT sẽ tiên phong bàn giao trước để các tổng công ty sớm ổn định, tập trung cho công việc” – báo Giao thông dẫn lời.

Theo đó, trong danh sách 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ bàn giao trong vòng 45 ngày đầu tiên về CMSC, Bộ GTVT có 5 tổng công ty, đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động khá đặc thù. Đó là Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Đặt mục tiêu này, người đứng đầu ngành giao thông nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng về việc “các đơn vị phải làm tốt công tác bàn giao, đảm bảo công việc không chồng chéo, đình trệ”. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, sẽ có rất nhiều việc phải làm để “trả bài” được yêu cầu của Thủ tướng.

Một trong những vấn đề đầu tiên cần vượt qua mà Bộ trưởng Thể nêu, là việc phải khẩn trương tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước (đây cũng là mục tiêu Chính phủ đặt ra khi thành lập CMSC).

Chẳng hạn, hiện Bộ GTVT đang triển khai dự án trị giá 7.000 tỷ đồng của ngành đường sắt. Khi dự án được chấp thuận Bộ đã phân cho Ban quản lý Dự án Đường sắt 2 dự án thành phần, và VNR 2 dự án thành phần nữa.

Tuy nhiên, thời gian tới VNR sẽ chuyển về trực thuộc CMSC, do thế “rõ ràng không thể giao VNR làm chủ đầu tư dự án vốn của Bộ GTVT được” – Báo Giao thông viết.

Nguyên nhân của sự “không thể” này được tránh nói tới, nhưng hàm nghĩa sau đó từ yêu cầu của Bộ trưởng Thể do báo Giao thông dẫn, thì cũng đủ để giải thích.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu cần khẩn trương tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam và VNR theo hướng “cái nào thuộc QLNN phải chuyển hết toàn bộ cho Cục Đường sắt Việt Nam”.

Như vậy, nhẹ nhất thì 4 dự án ngành đường sắt vừa nêu trên sẽ phải đình lại, chờ tới khi phân định “thuộc ai”, thì mới có thể sẽ tiếp tục triển khai. Bộ trưởng Thể cũng nhấn mạnh thực tế này sẽ xuất hiện cả trong trường hợp bàn giao Vietnam Airlines, Vinalines và ACV về CMSC.

Giải thích rõ hơn nữa là ý kiến của ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam. Ông Khôi cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT không thể giao trực tiếp VNR thực hiện việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt bằng nguồn vốn ngân sách. Và việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, Bộ sẽ chủ trì cùng Ủy ban thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho VNR thực hiện nhiệm vụ công ích. “Việc thực hiện bảo trì hàng năm thực hiện thông qua đặt hàng, không giao trực tiếp như hiện nay” - ông Khôi nói.

Vấn đề nữa, là khi CMSC đã thành lập, thì các đơn vị quản lý trực thuộc bộ như Cục Đường sắt và Cục Hàng không “vẫn đang” xây dựng các đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng không (hoặc đường sắt) – báo Giao thông viết.

Lưu ý là các đề án này được viết nhằm mục tiêu tách bạch được chức năng quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp thuộc bộ GTVT

Như vậy, trong khi các Cục quản lý chuyên ngành “vẫn đang” xây dựng đề án tách quản lý với kinh doanh, thì thời hạn bàn giao mảng kinh doanh tại các tổng công ty lại chỉ còn chưa tới 45 ngày.

Điều này được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông xác nhận. Ông Đông yêu cầu các cơ quan thuộc bộ cần đẩy nhanh xây dựng các đề án, liệt kê nội dung bàn giao với CMSC, làm rõ trách nhiệm các bên trong giai đoạn giao thời. 

Tất nhiên, từ lâu, các lãnh đạo bộ GTVT, cũng như lãnh đạo các tổng công ty sắp “chia tay” bộ đều hiểu rất rõ đâu là QLNN, đâu là kinh doanh.

Công việc bàn giao về CMSC, do thế, là có cơ sở (về lý thuyết) để đạt mục tiêu “tiên phong” hoàn thành, đúng với yêu cầu của Bộ trưởng Thể, nhất là với những trường hợp đang là “cục nợ” như Vinalines.

Tuy nhiên, nếu mọi việc dễ như lý thuyết, thì hẳn việc tách bạch QLNN với kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đã không phải xây dựng thành đề án. Và nếu phần việc này có thành đề án, cũng không phức tạp đến nỗi thậm chí chưa hoàn thành, khi CMSC đã ra mắt.

Từ nhiều năm nay, Bộ GTVT đã luôn giữ vị trí quán quân trong số những bộ ngành dân sự ngốn nhiều vốn đầu tư nhất. Đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy… đều là những ngành ngốn vốn đầu tư ở mức độ rất lớn.

Phần rất lớn lượng vốn ấy, được thu hút bằng nhiều hình thức, nhà nước, tư nhân, nước ngoài… sau đó được “bơm”, thông qua hàng loạt dự án có liên quan tới các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia trong từng lĩnh vực. Việc phân bổ nguồn vốn ấy, lại thực hiện thông qua hệ thống “rừng” thủ tục và quan hệ phức tạp, mà hiện chính Bộ GTVT cũng đang cố gắng dọn dẹp với mục tiêu cho… gọn lại.

Quá trình nhiều năm đó, đã hình thành nên đặc trưng của các doanh nghiệp ngành GTVT, với các hoạt động dựa trên khai thác lợi thế ngành quản lý để đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Những ACV, VNR, Vietnam Airlines đều hình thành và vận hành dựa trên đặc trưng ấy.

Điều đó giải thích vì sao chỉ nội công việc bóc tách cụ thể đâu là QLNN, đâu là kinh doanh, cũng đã buộc Bộ và các cục quản lý, các tổng công ty phải xây dựng thành những đề án riêng biệt, cho từng ngành riêng biệt. Hiện chưa rõ những đề án ấy bao giờ sẽ được thông qua, để tạo thuận lợi cho việc bàn giao.

Trong sự phức tạp ấy, nếu bàn giao được 5 tổng công ty trực thuộc về CMSC đúng thời hạn trong 45 ngày, thì không loại trừ khả năng sự hoàn thành ấy sẽ lại chỉ thực hiện…trên giấy. Cũng có nghĩa rằng các doanh nghiệp, Bộ GTVT và CMSC có thể sẽ mất thêm hàng năm nữa, để hoàn thành sự chuyển giao một cách thực sự.

Mục tiêu tiên phong bàn giao của Bộ GTVT, nếu không được xử lý một cách thực chất, dứt khoát và dứt điểm, không khéo sẽ thành trở lực kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp chuyển giao thêm vài năm, theo cách ấy.